Inrasara: GIẢI HUYỀN THOẠI HUYỀN TRÂN

Về mảnh lịch sử này, Đại Việt Sử kí Toàn thư đã hư cấu, hư cấu đầy tai hại: Cho Đại Việt (bội ước ở cấp độ cao nhất), cho Champa (hủ tục ở mức độ tàn độc nhất), lẫn cá nhân Công chúa Huyền Trân (ở sự mất phẩm hạnh yếu kém nhất).

Tiếc là hư cấu ấy tác hại đến các nhà đời sau tiếp tục hư cấu trên hư cấu không biết bao giờ ngưng lại. Cứ đọc vài nhà văn Việt bày chuyện xung quanh huyền thoại này cũng đủ thấy: rất tùy tiện.

Giải, là để giúp người sau đọc lại ‘chính sử’, để giải xuyên tạc, giải oan khuất, và…

*

Ở buổi Tọa đàm: “Tộc HỌ TRẦN thời đại Hùng Vương” tại Hà Nội, 25-11-2019, tôi tạm giúp ‘giải Huyền thoại Huyền Trân’ như sau (sẽ có video clip):

MỞ.

Theo ĐVSKTT: Huyền Trân Công chúa sinh 1287, mất 9-1-1340

Năm 1301: Trần Nhân Tông ghé thăm Chiêm Thành, và ở lại gần 9 tháng.

Tháng 6-1306: Huyền Trân lấy Chế Mân Jaya Simhavarman III (1288-1307)

Chế Mân băng hà tháng 5-1307. Tháng 9-1307: Huyền Trân sinh thế tử Đa Da.

Tháng 10-1307: Trần Khắc Chung đến kinh đô Đồ Bàn giải cứu Huyền Trân.

Tháng 8-1308: Thuyền về đến Thăng Long sau khi lênh đênh 10 tháng ngoài biển. Cuối năm 1308: Công chúa Huyền Trân xuống tóc đi tu.

Năm 2006: Đền thờ Huyền Trân Công chúa tại núi Ngũ Phong, Huế. TP Huế và TP Hồ Chí Minh đều có con đường mang tên Công chúa.

1. Minh giải quan hệ Đại Việt – Champa

Quan hệ tốt đẹp: Hợp lực đánh Nguyên – Mông.

– Vua Champa mang quân ra tận Nghệ An giúp Trần Nhân Tông.

– Trần Nhân Tông cử hàng nghìn binh mã, hàng trăm chiến thuyền ứng viện giúp chủ tướng Chế Mân đánh thắng Toa Đô.

+ Không lẽ chỉ vì sợ công chúa Huyền Trân bị đưa lên giàn thiêu mà Đại Việt lại làm một việc mờ ám và có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nước láng giềng thân thiện mà mình tính dứt nạn binh đao về lâu dài?

2. Đính chính về phong tục Cham

– Cham có buộc hoàng hậu lên giàn lửa? Đám tang Pô Rômê (1627-1651), bà vợ thứ người Êđê mới lên, khi bà vợ chính từ chối.

– Lễ hỏa thiêu của Cham diễn ra 10 ngày sau khi mất, đằng này: Chế Mân mất 5 tháng, Khắc Chung mới đến Đồ Bàn ‘cướp’ Huyền Trân. Nếu vậy Huyền Trân đã ra tro lâu rồi còn gì!

– Nếu Huyền Trân được xem là bảo vật cho lễ hỏa táng, hoàng gia Champa có để cho bị ‘cướp’ dễ dàng không? Trong khi Huyền Trân phải sống trong hậu cung có quân lính canh phòng nghiêm ngặt ngày đêm, hơn nữa, Công chúa đang thời kỳ sinh nở nên việc tiếp cận càng khó khăn.

– Có dễ thoát không? ‘Thuyền nhẹ’ của Khắc Chung làm sao có thể chạy thoát khỏi lực lượng hải quân hùng mạnh của Champa?

– Rồi suốt 10 tháng lênh đênh, vấn đề lương thực, nước uống, cũng như bão tố miền Trung, ‘thuyền nhẹ’ kia đối phó ra sao?

– Đó là chưa kể Huyền Trân sinh lần đầu, một tháng hậu sản đã phải ra đi, cần đến thuốc men chăm sóc dọc đường, vân vân.

+ Kết luận. Huyền Trân được Champa cho về cùng với đứa con, như Champa đã cho hoàng hậu người Malaysia Tapasi về nước.

3. Huyền Trân có tư thông với Trần Khắc Chung không?

– Huyền Trân được phong vương hậu Paramecvari. Vừa được Chế Mân quý trọng, vừa được bà con cả Cham lẫn Việt ở vùng “đệm” Huế quý mến [Công chúa dạy dân về văn hóa Cham Việt], chỉ người có phẩm hạnh mới được công chúng tôn kính ngay sinh thời.

– Dù theo Đạo Phật, Huyền Trân vẫn là người nữ Việt chịu ảnh hưởng Nho giáo: chồng mới mất, Công chúa mới sinh con, làm sao có thể tư thông dễ như thế?

– Trên thuyền nhẹ đó, bao nhiêu con mắt: Phó đoàn Đặng Văn, thủy thủ đoàn, cùng các tùy tòng, thị nữ… đến vài chục người, hai người có thể không?

Dĩ nhiên vì là chuyện riêng tây, ta chỉ có thể cho 50-50!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *