Lần thứ nhất, giai đoạn xung đột Tây Sơn – Chúa Nguyễn chuyển tiếp sang thời Minh Mạng, sinh linh Cham chết như rạ (mưtai yau anrang). Đó là thời kì Cham cố gượng dậy lần cuối hòng phục hồi vương quốc (Thak Wa), hay khiêm tốn hơn – chỉ để cứu vãn danh dự (Tôn Pho), để rồi bị càn quét tan tác. Cả dân tộc đi lưu vong, chỉ bộ phận “hàng Triều” sót lại cùng mấy nhúm sinh phận bọt bèo trôi giạt rơi rớt sau tờ “chiếu” của vua Thiệu Trị ban xuống.
Lần thứ hai, thê thảm không kém. Cộm nhất là vụ xử hai đứa con ông Huyện Phát. Từ người có chức phận chút đỉnh cho đến chân thư kí quèn ở làng xóm, Việt minh chẳng chịu tha. Hàng chức sắc tôn giáo cho chí sinh viên học sinh, cả nông dân chân lấm tay bùn một đời không nhìn thấy mặt thằng Tây nào, khi bị tố “làm tay sai cho giặc” hay điểm danh “ác ôn” là bị triệt. Đích thị là thời kì hỗn mang.
Lần thứ ba, khi đất nước “giải phóng”. Sống chế độ bất kì, Cham thế nào cũng phải cộng tác với, dù nó có ra sao chăng nữa. Thế là bị điểm mặt chỉ tên. Thời điểm 30-4, nghe đồn hơn 50 Cham Ninh Thuận vào sổ đen. Giải phóng, rải rác đây đó vài người chịu đền nợ máu. Jaya Mrang ý định cưu mang số này lên núi, vừa để cứu chúng sanh thoát khỏi tay thần chết, vừa tính chuyện lớn ở tương lai. Khốn thay, do nhầm lẫn đâu đó, hơn 300 Cham các loại ùn ùn kéo nhau lên “ngak ia”, và bị đạn.
Cách mạng “khoan hồng”, Cham sống sót lần thứ ba.
Hôm nay, Cham không thể không hội nhập.
Cham lang bạt khắp tỉnh thành Việt Nam lẫn ngoài mảnh đất “dar thook padook kiak”. Chuyện sống sót nghĩa đen từng ám ảnh ông bà không còn được đặt ra nữa, mà câu hỏi là: CHAM CÓ MUỐN SỐNG SÓT KHÔNG? Bởi, ở thời đại toàn cầu hóa,
ta không còn bị càn quét như thời MM,
không còn bị xử lí oan khuất như thời VM hay 30-4 nữa,
mà ta có đủ THÔNG MINH ĐỂ SỐNG SÓT không?
_____
Người Việt nói: Nơi chôn nhau cắt rốn, Cham thì khác: “Dar thook padook kiak”: Chôn nhau, đặt viên gạch. Nghĩa là, chỉ khi ta đặt viên gạch xây tháp, đất đó mới là đất của mình. Thế nên, nơi nào có tháp là đất Cham ở nơi đó. Trong lịch sử, từ Quảng Bình cho đến Nam Bình Thuận, đều có tháp Chàm. Còn thì Cham không chiếm đất người khác làm đất CỦA mình. Ví dụ, thời Champa cực thịnh, Đồng Nai đất tốt và còn “trống”, Cham chưa bao giờ ý định xâm chiếm để “mở cõi”.
(trích Inrasara, Minh triết Cham, 2015)