[nói chuyện tại lớp Chuyên Văn Trường Phan Bội Châu – Vinh, 2-11-2019]
“Sara là kẻ đốt lửa, nuôi lửa, và truyền lửa”.
40 phút thuyết và non tiếng rưỡi ‘tìm học’, 27 câu hỏi được nêu lên. Từ quan điểm sáng tác của Inrasara hay tại sao gọi nhà văn là “kẻ bị đẩy xuống tàu” đến đâu là đặc điểm chính của hậu hiện đại, khác biệt về ngôn ngữ ở thơ đương đại, hay tại sao thơ hiện đại khó hiểu, hoặc đề nghị nhà thơ đọc ba bài thơ tiêu biểu nhất, vân vân. 2-3 câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, nhưng chính điều đó nói lên nỗi ngây thơ ham học đáng yêu, và thực sự cần thiết cho hồi đáp tương xứng. Tiếc là tôi không đủ thời gian để tường minh.
Cũng đáng đồng tiền bát gạo!
Đây có lẽ là hai hỏi-trả lời đáng nhớ nhất, vì nó động cập đến tư tưởng và sáng tác văn học.
– Được biết nhà thơ là người dân tộc Cham, xin hỏi ở môi trường văn hóa Cham, nhà thơ đã viết như thế nào?
– Trước câu hỏi tưởng giản đơn và quen thuộc này, tôi sẽ không kể lể ỉ ôi như thói thường, mà khơi gợi một ý niệm hậu hiện đại.
Con người là một văn bản, nhà văn là một văn bản. Trước khi ra đời, hắn được viết bởi gien cha mẹ. Sau đó hắn được tô vẽ bởi môi trường tự nhiên nơi hắn sinh ra, môi trường xã hội hắn sống. Tiếp đến hắn được làm đậm bởi thầy cô và nền giáo dục hắn thụ hưởng, ý thức hệ tôn giáo và chính trị của đất nước hắn, những cuốn sách hắn đọc, vân vân.
Không thể thoát!
Nhà văn làm gì? Vướng kẹt trong nó, nhà văn chỉ là kẻ giữ kho hay tô son cho quá khứ không hơn. Hắn phải thoát, nếu không thể thì ít nhất hắn biết mở to mắt trừng trừng nó, để viết.
Nhưng nhà văn không thể không thoát, thoát khỏi “văn bản” định mệnh kia. Khác đi, khi thức nhận văn bản, hắn cần vượt qua ba tầng cô đơn và tự do và sáng tạo.
Cá nhân Sara đã làm như thế. Tôi vừa là Cham vừa là Việt Nam, vừa là Việt Nam và là thế giới.
[Tôi hai lần nhấn lại và tóm tắt câu trả lời này. Tôi nói, đây là ý niệm cực kì quan trọng, nắm được nó các bạn nắm cái thóp của hành trình sáng tạo.]
– Thưa nhà thơ, em thấy nhà thơ dùng chữ phê bình Lập biên bản rất lạ. Nhà thơ có thể cho biết tại sao, và như thế nào là phê bình LBB không?
Xin nói ngay, đó là khởi điểm của phê bình khoa học.
HTX Văn chương Việt Nam tồn tại hai thứ phê bình, thường được đặt cho cái tên phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ. Nếu điểm nổi bật của phê bình hàn lâm là đĩnh đạc và an toàn, thì ở phê bình nghệ sĩ là bình và tán tùy hứng, và tùy tiện.
Phê bình Lập biên bản ra đời tham vọng bổ khuyết và cắt đứt mấy nỗi ấy. Nó quyết kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó thao tác của nó đầy tính khoa học. Cạnh đó nó còn ý hướng giải trừ tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học.
- Phê bình Lập biên bản có ba hình thức: Biên bản Bàn tròn Văn chương, Biên bản Lập chậm và Phê bình [như là] lập biên bản.
Riêng hình thức thứ ba, đó là phê bình tác phẩm, [nhóm] tác giả hay trào lưu văn chương đương đại. Phê bình [như là] lập biên bản “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá tác phẩm của tác giả đó.
Phê bình này nỗ lực ghi nhận mọi biến động của văn chương Việt đương đại. Vô phân biệt. Bởi phân biệt và loại trừ chỉ làm thiệt thòi cho độc giả, và cho chính nền văn học Việt Nam.
- 15 năm dấn vào phê bình, tôi làm được gì?
Ngoài các tác phẩm đã in, như: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Song thoại với cái mới, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say và Nhập cuộc về hướng mở, tôi đã “lập biên bản” khoảng trăm khuôn mặt thơ thuộc đối tượng mình hướng tới.
– Thơ Việt thời Đổi mới (12 nhà thơ)
– Thơ Việt hậu Đổi mới (24)
– Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại (18)
– Thơ Dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại (17)
– Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ (20).
Phê bình LBB tham vọng nhìn toàn cảnh văn học [ở đây là thơ] Việt với những chuyển đổi bất ngờ chưa được biết đến nhiều, như văn học của người Việt hải ngoại, sáng tác thơ của các tác giả Cham, văn chương ngoài luồng hay văn chương mạng cùng những điểm sáng của chúng.
- Thế nhưng phê bình “ghi nhận” mà không nêu lên được chủ kiến của nhà phê bình thì nó không gì hơn thứ phê bình ba phải.
Nếu “Ba hình thức Phê bình LBB” là cách lập biên bản hiện trạng văn học ở nhiều góc cạnh khác nhau, có lợi cho văn học sử; thì ở bước thứ 2, tôi triển khai “Hồ sơ Biên bản so sánh”. Ở đó, thao tác so sánh làm bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu… khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu mở ra cho người đọc nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của nó.
So sánh thơ tù [thời chiến] cùng ý chí kiên định của Tố Hữu với thơ [sau] tù đầy ngơ ngáo của Hoàng Hưng và thơ tù [hòa bình] qua tâm thế giải sân hận của Tô Thùy Yên, mới thấy được tâm trạng của mỗi nhà thơ, mỗi thời đoạn và mỗi hoàn cảnh cùng cách biểu hiện khác biệt.
So sánh thơ trình diễn của một Vi Thùy Linh lãng mạn hậu thời, một Dương Tường hiện đại với một Lê Anh Hoài hậu hiện đại, mới bật lên sự khác biệt của mỗi hệ mĩ học văn học khác nhau. Mà chính khác biệt ấy làm giàu sang nền văn học dân tộc Việt Nam đương đại.
Qua thao tác này, tôi cho công chúng độc giả biết các thi sĩ hậu hiện đại Việt Nam đã đóng góp được gì vào tiến trình văn học Việt Nam.
Đó là bước thứ hai của Phê bình Inrasara.
- Dẫu sao mục đích tối hậu của văn chương là tự do. Do đó, phê bình phải hướng đến tự do. Tự do ở chính bản thân văn học, và cả các hoạt động liên quan đến văn học.
Phê bình văn học khi ấy chỉ quan tâm tác phẩm văn học mang tính khai phóng. Cho văn học, cho tinh thần và cuộc sống con người.
Bước cuối cùng của Phê bình Inrasara là Phê bình tự thức & khai phóng