3 tản văn: TUỔI 17, ĐỐI THOẠI & NHÃN MÁC

1.

TUỔI 17 BẺ GẪY SỪNG TRÂU

 

Tôi yêu loài tuổi trẻ liều lĩnh, nhớ và ít nhiều tiếc nó. Bởi tôi cũng có thứ tuổi trẻ kiểu ấy, nhưng bị đánh cắp…

 

Thế kỉ XIX, ở tuổi 17, Rimbaud đã dấy lên cuộc cách mạng thơ, mở đầu loại tự do ảnh hưởng lan rộng cả thế giới.

Văn học nghệ thuật thì vậy, về chính trị…

 

Hoàng Chí Phong, cũng tuổi 17 đã lãnh đạo phong trào Dù Vàng nổi tiếng. Đến tạp chí Time cho là người có ảnh hưởng lớn nhất năm 2014, được đề cử Nhân vật của năm 2014; tạp chí Fortune xếp chàng trai vào hàng “nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới” năm 2015; Wong còn được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2017 nữa.

 

Tại đảo Orchid Island Taiwan, cô bé Mavivo Sinan cũng ở tuổi ấy, đã cuốn cả cộng đồng nhỏ bé của mình làm nên phong trào phản đối Rác hạt nhân. Cuối cùng chính quyền phải lắng nghe, và cô được bầu vào đại biểu Hội đồng Dân tộc Bản địa Đài Loan Council of Indigenous Peoples.

 

Mới nhất, cô nữ sinh cuối cấp II Greta Thunberg đã làm chao đảo thế giới qua truyền lửa cuốn hút cả triệu học sinh, sinh viên bãi khóa hưởng ứng phong trào Môi trường của cô.

 

Dẫu vậy, không riêng Trung quốc hay Việt Nam [thuộc hệ tư tưởng Theo-ism], không ít sinh linh ở thế giới ngoài kia cứ hồ nghi tuổi trẻ bị lực lượng nước ngoài [hay gì đó] dựng lên, làm con cờ để thao túng, lợi dụng cho mục đích riêng.

Không khác gì tại Việt Nam, vài người từng nghĩ Nhóm Mở Miệng [cũng tuổi trẻ] được thế lực nào đó “chống lưng” mới dám và có thể làm nên mấy chuyện như đã.

 

Tại sao tuổi trẻ không thể làm nên điều lớn lao, nếu họ dám nghĩ lớn, đủ thông minh, và nhất là tràn liều lĩnh?

 

  • Về Greta Thunberg, tạm trích BBC:

“Stensson, biên tập viên mục Tranh luận của SvD nói truyền thông Thụy Điển cũng thường bị chỉ trích vì đã cung cấp một diễn đàn cho Greta Thunberg.

Nhưng Stensson nói rằng các nhà báo địa phương rất cẩn thận trong việc không thể hiện quá mức một người trẻ như vậy.

Cùng lúc đó, Stensson cũng không tin rằng Greta được cha mẹ hoặc bất kỳ ai khác chống đỡ. Malena và Svante luôn khẳng định rằng cuộc biểu tình bên ngoài quốc hội Thụy Điển, chẳng hạn, là sáng kiến của chính Greta.

Thêm vào đó, Stensson nói rằng thông điệp của Greta rất khó phản bác: “Thông điệp của Greta rất cơ bản, rất rõ ràng, đó là về trách nhiệm với những thế hệ mai hậu.”

“Không có chương trình nghị sự chính trị ẩn nào ngoài điều đó.”

https://www.bbc.com/vietnamese/magazine-49874847

 

2.

THẾ GIỚI NGÀY MAI THUỘC VỀ ĐỐI THOẠI

 

– HIỂU MÌNH. Tâm hồn Cham thể hiện cả qua văn chương và ngôn ngữ Cham; tinh thần phiêu lưu sáng tạo Cham biểu hiện qua hải sử và văn hóa biển. Hiểu Cham không phải qua công trình nghiên cứu khảo tả, mà dấn vào đời sống Cham để hiểu chiều sâu tâm hồn, và cả chiều cao tinh thần Cham.

 

– HIỂU NGƯỜI. Dấn vào văn học Việt để hiểu Việt Nam, đồng thời theo dõi các trào lưu [văn chương nghệ thuật, triết học, chính trị…] đương đại trên thế giới để biết tinh thần con người thời đại.

 

– Hiểu mình, hiểu người mới có thể nói đến ĐỐI THOẠI.

Thời hiện đại, không thể mãi khư khư giữ bản sắc, mà phải mở.

Nhập cuộc về hướng mở – qua tinh thần hậu hiện đại, tức là phi tâm hóa, nghĩa là mở ra thế giới, đối thoại để các bên hiểu nhau. Việt Nam, và cả phần nhân loại còn lại.

 

3.

CÁI TAI HẠI CỦA NHÃN MÁC

 

Cộng đồng nào bất kì cũng bày ra các nhãn mác, để phân loại, xếp hạng, từ đó dễ xếp chiếu trên dưới. Là điều cần thiết. Nhãn mác có thể là học hàm [giáo sư chẳng hạn], học vị [tiến sĩ], danh vị [nguyên thứ trưởng], danh hiệu [nhà văn, nhà khoa học], huy hiệu [anh hùng lao động], vân vân.

Nhân vật có nhãn mác được cộng đồng trọng vọng, lắm khi nó được đẩy lên quá mức cần thiết, kéo theo hiện tượng không ít sinh linh cố giật lấy nó trong khi khả năng thực tế không tương xứng.

Bằng giả hay bằng thật kiến thức giả, người viết chạy thẻ Hội Nhà văn, thí sinh chạy điểm, họa sĩ hay nhạc sĩ vẽ, viết nịnh Đảng, chế độ để nhận huân chương, huy hiệu, là hệ quả từ tâm thế trọng vọng quá đáng đó.

Tạm cho vào ngoặt khía cạnh này của nhãn mác, thử nhìn về định kiến cộng đồng đóng khung nhân vật mang nhãn mác, để thấy cái tai hại của nó.

 

Ngô Bảo Châu thì siêu rồi, nhưng khi anh đưa nhận định về xã hội, ta nói: Nhà toán học thì lo chuyên môn đi, biết gì chính trị mà bàn. Làm như nhà toán học không phải là con người.

Vụ Formosa, tôi dẫn ý kiến Di Li đăng FB bị phó GS-CML giật tít đầy mỉa mai rằng: “Khi nhà thơ nói chuyện kinh tế”. Làm như nhà thơ thì chỉ lo mây gió và làm thơ, chẳng thể có ý kiến về chuyện cộng đồng. Ví tôi cắc cớ vặn lại: “Phó giáo sư bạn lo dạy đi sao lại bày đặt phản biện xã hội” thì sao?!

[Vụ này CML sai to: Di Li chưa hề làm câu thơ nào, chị là nhà văn đồng thời là “chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực quảng cáo & PR”, nghĩa là không hề khuyết kiến thức về kinh tế.

Còn Inrasara trước khi là “nhà thơ”, đã là “nhà” kinh tế ở ba cấp khác nhau. Từ cấp làng [kế toán trưởng HTX Nông nghiệp], sang cấp tỉnh [kế toán cơ quan thuộc tỉnh Thuận Hải] đến cấp “quốc tế”: Chủ tịch Hội đồng Cty TNHH thường xuyên quan hệ làm ăn với nước ngoài.]

Ta không bình luận về luận điểm của Ngô Bảo Châu hay Di Li đúng sai thế nào, mà chỉ cần đóng dấu “nhà toán học”, “nhà thơ” – là đủ quyết toán vấn đề!

 

Xã hội nhìn về kẻ mang nhãn mác là vậy. Ở chiều ngược lại, đa số kẻ mang nhãn mác tự đóng khung trong địa ngục nhãn mác của mình, không thể thoát. Đến trở thành nô lệ cho nhãn mác tự kiếm được [dù xứng đáng] hay xã hội gán cho mình.

Chính là tai hại của nhãn mác.

Đó là chưa kể kẻ tự gắn nhãn mác lên trán mình, mới tội.

Trong khi người thực sự lớn thì khác: Họ vượt qua mọi nhãn hiệu.

Stephen Hawking vĩ đại thế nào ai cũng biết rồi, ông còn nổi tiếng với những tác phẩm phổ biến khoa học cực kì đại chúng về chính lý thuyết của ông cũng như vũ trụ học nói chung.

Còn Einstein, Abraham Pais viết: “Nếu được nói một câu ngắn gọn về tiểu sử Einstein, tôi có thể nói rằng “ông là con người tự do nhất mà tôi đã từng biết”.

 

“Tôi sợ phải có một tâm hồn cao thượng” – Dos nói.

Khi cộng đồng gán cho tôi “con người cao thượng” thì tôi hết còn được quyền nói khác, làm ngược những gì cộng đồng nghĩ về tôi, rằng tôi LUÔN phải thế. Tôi muôn đời nơm nớp lo sợ bước ra khỏi vùng nhãn mác. Tôi không còn SỐNG THỰC. Mới chết!

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *