No Nukes Taiwan -4. Có Cham ở đảo Orchid Island Taiwan(?)

8- GHI CHÚ NGẮN TỪ LANYU

 

“Akokey Kamo yamai do Pongso no Tao: Chào bạn đến Đảo của Con người”

 

9 ngày ở Đài Loan, thì ba ngày tôi ra và ở lại cái đảo nhỏ xíu như tách biệt với thế giới. Bốn mạng: Tôi, một giáo sư, thêm hai nhà báo. Rác hạt nhân từ đảo chính đổ về đây. Dân đảo kêu, chính quyền ngưng, nhưng đồ cũ mang đi đâu? Không biết!

Và chúng tôi đến.

 

Đảo Lanyu (đảo hoa lan) nằm phía đông nam Đài Loan, vỏn vẹn 45km vuông.

Tên Lanyu do chính quyền đặt, chớ dân vẫn thích gọi “đảo của người dân” Tao. Người Tao di cư đến Đảo khoảng 800 năm trước, từ Batanes thuộc Philippines cách Đài Loan 190 km về phía nam.

Núi dốc đứng, cư dân sống ven bờ biển quanh đảo. Khu vực phía nam đảo lớp lớp sóng dữ bạc đầu, ở phía bắc biển yên lạ thường. Sân bay nhỏ nằm tại đây, rồi tới Bến tàu, cạnh bến tàu là khu trung tâm. Từ khu trung tâm đi xuống phía nam 3km là Homestay nhà ông Siyaman Fengayang. Kho rác hạt nhân nằm ở cuối phía nam của Đảo.

 

Bốn kẻ lạ lên con tàu bồng bềnh vượt sóng suốt hai tiếng đồng hồ, lên được Đảo thì mệt phờ.

Từ Homestay, xe đưa đoàn đi một vòng đảo. Nhiều hòn lớn nổi lên giữa biển sóng trắng xóa. Mỗi hòn đều có tên riêng. Hòn Hai Người vui vẻ, Hòn Lính canh, qua sân bay cũ của Nhật vẫn còn dấu vết công sự, là Hòn Nón an toàn, Hòn Mũi. Xa xa là Đảo Lanzu Nhỏ [không người ở, chỉ có loài dê] đối diện với kho rác hạt nhân được xây thành cao che tầm mắt người.

 

Con Tàu và Dê (kaling) được xem là hai biểu tượng của Đảo.

Miền đất núi dựng đứng nên rừng vắng thú. Dân tuyệt không biết đến dụng cụ săn bắn dù thô sơ nhất. Họ chủ yếu sống bằng đánh bắt cá biển, tàu nhỏ lại cố ý làm đẹp, đáy tàu phẳng thì không thể đánh bắt xa bờ.

Đồ dùng toàn gỗ, chỉ khi Bồ Đào Nha tới dân Đảo mới biết đến sắt, lại không được bà con ưa dùng.

Dê là vật nuôi chính, rồi tới heo mọi. Khi có lễ, bà con mới mổ thịt đãi khách. Bữa ăn hàng ngày vẫn là cá biển, khoai lang, bắp, chuối. Dừa được trồng nhiều nhưng rất ít thấy có cây mang trái. Đất có nhiều khoảnh thừa, cũng hiếm thấy luống rau.

 

Nhà bộ 3 có – Nhà ở thấp nhất, sau đó là nhà dành cho công việc như phơi cá, bắp, trên cùng là nhà họp mặt nho nhỏ diện tích khoảng 2x2m.

Nhà bao bằng đá, tường bằng gỗ và đá, mái lợp lá. Để chống bão, nhà được dựng rất thấp, có khi thấp hơn mặt bằng đất, cửa hẹp và nhỏ, muốn đi vào phải khom lưng chui qua. Ngôi nhà chuẩn trưng bày ở Bảo tàng được lót bằng gỗ rắn chắc, có 3 gian không cửa sổ và vách ngăn, nhà có 4 cửa ra vào.

Rẫy thì được rào bằng tường đá cao ngang lưng.

 

Đảo không taxi, cũng không người chạy xe dịch vụ. Một lần đoàn chuẩn bị qua bảo tàng, hụt chuyến bus, phải quá giang xe đi nhờ, hai vợ chồng vui vẻ cho đi vậy thôi, chứ không lấy tiền. Và họ cũng không cần tiền. Thập niên 1950 trở về trước người ta không dùng tiền nữa là, nhà nào có cá hay khoai cứ mang đi đổi chác.

Xưa người chết được thủy táng, nay địa táng.

Hoạt động hiện nay dù đã được hiện đại hóa, nhưng dân Đảo phần nào vẫn cứ theo nếp bộ lạc mà sống.

 

 

9- CÂU CHUYỆN NỮ ĐẠI BIỂU MAVIVO SINAN

Tôi hứa với lòng sẽ viết dài về một nữ sinh “dân tộc thiểu số” tuổi 17 làm thay đổi cách nghĩ của cả cộng đồng. Và hơn thế nữa. Nhưng hưỡn đã…

 

  1. Biểu hiện tình cảm mùi mẫn cải lương trước công chúng, tôi tối kị. Và hay đưa lời bỡn nó, lắm lúc rất đau. Rủi thay, “lingik pah” trời thộp! Thành ngữ này của Cham mạnh chục lần hơn tục ngữ Việt: Ghét của nào Trời trao của nấy. Không phải một, mà hai bận, cách nhau không quá ba tháng, tôi bị.

Tại Fukushima, chia tay ở bến tàu điện để qua Tokyo, tôi đã ôm ông nông dân Nghị sĩ Baba thật chặt. Trước đó, ngay trong chuồng bò rỗng ruột ở nhà ông, tôi đặt tay lên vai ông. Cái “đặt tay” gợi cho phóng viên Kyodo câu hỏi độc, và tạo cảm hứng anh viết thành bài báo dài!

Hôm nay, cà-phê chiều ở cái đảo bé tí Orchid Island Taiwan, tôi lại bị Bà Trời thộp. Sau buổi phỏng vấn, chia tay nữ đại biểu tuổi tứ thập, vừa hay tin chị đang bị chứng tiền ung thư do rác hạt nhân, tôi đã ôm chị. Không bố trí chuẩn bị [như ông bạn thơ yêu mến của tôi], và không lời, hai vòng tay của hai sinh linh tìm đến nhau. Rất nhanh, và buông ra cũng rất nhanh. Nhanh đến hai nhà báo có nghề ở đó không kịp bấm máy.

Ở cả hai lần, tôi như chạm vào đáy khổ đau của con người. Một, mất tất cả gia sản và tương lai trong nháy mắt. Một, đang đứng trước lưỡi hái của thứ định mệnh ngu ngốc. Không thể diễn tả khác hơn.

 

  1. Mavivo Sinan [mẹ JaSinan], sinh 1973, là [nữ] đại biểu Đảo thuộc Hội đồng Dân tộc Bản địa Đài Loan Council of Indigenous Peoples.

Thập niên 1960-70, xứ Đảo nảy ra nhiều vụ cộm, như dân nghèo phải dắt con gái đi bán, bị phân biệt đối xử, làm việc nặng và nguy hiểm mà không được bảo hộ. Chính quyền Quốc Dân đảng thì để họ sống chết mặc bây. Dân Đảo vẫn còn chưa có tên gọi, trên cứ kêu chung là dân tộc sống trong núi, hệt “người Thượng” ở Việt Nam xưa vậy.

Coi thường nhau kì vậy chớ!

Năm 1982, Công ty Taipower dựng xưởng chứa rác thải hạt nhân chả thèm hỏi họ lấy một tiếng. Bà con bị lừa hồ hởi phải biết, bởi không dưng điện nước từ đâu cho xài miễn phí, vài tiện nghi được biếu không. Mãi năm 1987, tin về tai họa Chernobyl bay đến, dân Đảo mới biết lâu nay mình đang sống chung với cái hòm.

Đây đó rục rịch phản đối. Phản đối thì mua chuộc.

Một đoàn người Tao được mời tham quan Nhật. Biết tin, sáu chàng trai Đảo ra sân bay ngăn cản. Đó là năm 1989, sự vụ gây tiếng vang lớn. Dù sau đó đoàn vẫn [trốn] đi được, sự kiện đánh dấu việc dân Tao lần đầu tiên thể hiện ý thức bằng hành động cụ thể.

 

Tốt nghiệp Trung học, nghèo – không đủ tiền ra Đài Bắc học, cô gái Mavivo càng thấm phận mình, thân phận dân tộc mình.

Nữa, khi ấy trên đang cho tiến hành thực hiện chính sách phá bỏ nhà cổ, xây nhà kiểu mới mà chẳng đâu vào đâu. Còn đòi lấy Đảo làm công viên quốc gia nữa. Sự thể đẩy cô quyết tâm hơn. Cô bắt đầu hoạt động mạnh, đòi chính quyền trả lại đất [do Nhà nước quản lí] cho bà con, đòi có tên riêng cho dân tộc và tên ấy phải được Hiến pháp công nhận.

1990, được qua Đài Bắc học Cao đẳng, cô vận động sâu vào giới trẻ. Dù – như Việt Nam, hay các nơi trên thế giới – nhiều người nghi ngờ, khối bạn học vô tư với thảm họa hạt nhân.

Thêm dân Đảo vừa yếu vừa thiếu, ý thức quyền bản địa mơ mơ hồ hồ, muốn hành động cũng chả biết bắt đầu từ đâu. Mavivo quyết đi một bước liều lĩnh: Vận động các nhà hoạt động ở đảo chính xin tiền mời bà con qua Đài Bắc biểu tình.

Tháng 6-1996, biểu tình lớn diễn ra trước Cty Điện lực Quốc gia.

 

Lúc này kho chứa rác đã đầy, hạn thuê đất đã hết. Chính quyền tính kế lấn đất mở rộng bãi cũ, và lập bãi mới.

Năm 2002 và 2012, hai cuộc biểu tình lớn lại nổ ra. Lần này do chính người dân địa phương phát động, đòi Taipower hốt thứ của nợ này đi cho khuất mắt.

Dân làm mạnh thì chính quyền hứa: Không chở rác mới về, và sẽ dời rác cũ đi. Nhưng đi đâu? Và bao giờ? Chưa ai trả lời được, vì có đất nào dại dột chịu nhận thứ quái quỉ này.

Đành phải chờ kì bầu cử sắp tới.

 

Dẫu sao, dù cư trú nơi mảnh đất như một chấm nhỏ giữa mênh mông biển cả, dân Đảo vẫn có đại biểu NHƯ LÀ đại biểu của mình. Lại là nữ, mới ác chứ – khác với nữ Chàm nho-me nhà ta lăm lắm.

Hội đồng Dân tộc Bản địa được thành lập gồm 16 đại biểu. Đại biểu là người đại diện cho tiếng nói của dân, ý dân được nói qua Đại biểu và buộc Trung ương phải trả lời. Còn nếu ông bà nào một mực theo đuôi chính quyền, Hội đồng bỏ phiếu truất phế như bỡn. Vậy thôi, cũng đủ!

 

  1. Câu chuyện mới qua nửa chặng, trong khi ở Homestay, ông chủ đang đợi đoàn cho một câu chuyện khác. Mavivo Sinan hẹn gặp riêng tôi ở Đài Bắc. Với một thông dịch viên giỏi hai thứ tiếng Hoa và Anh, chứ ở đây phải qua hai lớp: Hoa sang Nhật mới tới Anh, mất giờ lẫn hụt ý.

Thế rồi, hai ngày hội thảo với ba ngày thực địa nuốt hết thời gian tôi rồi, còn đâu.

 

10- CÂU CHUYỆN ÔNG SIYAMAN FENGAYANG

 

Xuống tàu, mệt phờ. Cô Si Pebbowen đón. Muộn non hai chục phút.

Cô là con gái Siyaman Fengayang sinh 1964, ông bố của 4 đứa con. Lái xe là anh hai 27 tuổi, có vợ là người từ đảo chính. Vẫn da ngâm đen, cặp mắt hệt anh chồng là người dân Đảo chính gốc.

Nước da, khuôn mặt, ánh mắt giống Cham lạ. Ngạc nhiên nữa, họ nói tiếng Nam Đảo, như Cham. Càng thú vị hơn là lúc phỏng vấn Mavivo Sinan, mở lon Taiwan Beer, tôi rót xuống vài giọt, chị la lên: Sao anh làm thế? Và kêu rằng mấy ông dân Đảo chúng tôi cũng làm hệt vậy!

 

Gia đình ông Siyaman làm Homestay, tiếp khách tùy hứng, và rất thiếu chuyên nghiệp. Được cái là vui vẻ và thoải mái, như ở nhà.

Chiều đầu tiên, đang bị cuốn hút qua câu chuyện Mavivo thì người nhà bào ông đang chờ. Rút kinh nghiệm từ mất thời gian cho hai lần dịch. Đoàn đề nghị ông nói bằng tiếng Anh.

Vừa ngồi vào bàn, ông bắt đầu “mở máy” bằng thứ tiếng Anh đặc trưng ông. Về câu chuyện của ông. Ông chồm người tới, vung tay, cả làm thao tác chém cạnh bàn tay vào hông tôi, vân vân. Tự hào hứng hết biết.

Vị giáo sư hiểu 20%, tôi 30%, mỗi ông người Áo quen ông lâu ngày mới nắm được một nửa. Và ông thông dịch lại cho chúng tôi.

Chuyện đang hấp dẫn, ông cũng đang gây cấn, thì phải đi cho cuộc hẹn khác.

Câu chuyện thứ hai dở dang. Ông đi, hẹn sáng hôm sau tiếp chuyện chúng tôi bài bản hơn, cuối cùng chờ mãi chả thấy đâu. Té ra, lão lai rai bằng hữu cả tối qua, đang li bì không thể ngồi dậy. Cũng rất Cham.

Cô con gái mê cha phải biết. Là nhân vật chính chăm lo Homestay, ông bố chỉ có mỗi việc ngồi hay đi với khách, kể câu chuyện về Đảo, và người dân Đảo [1].

Ngay vụ ông cầm đầu phong trào chống rác hạt nhân, gia đình ông không ai không ủng hộ, và cả cộng đồng nhỏ bé của Đảo cùng đứng sau lưng ông [2].

Ước gì tôi có được hai thứ [1] và [2] này! Trong khi ở Pangdurangga, tôi khả năng mươi lần hơn hoàn cảnh cha con kia.

 

Thế kỉ XI, Cham trôi giạt qua đảo Sulu thuộc Philippines, bị quấy rối, đã tản đi các nơi (chuyện này tôi đã kể 2 năm trước khi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Philippines), một phần lưu lạc đến Đảo, có lẽ.

Dân Đảo có ngôn ngữ, mà không văn tự, là chí nguy. Và nguy thật. Thế hệ mới dần bỏ quên nó mất rồi. Bọn trẻ hiện nói tiếng Hoa là chính. Vài ông bà lão thế hệ 1930 còn nói được tiếng Nhật, do Nhật dạy ở thời chiếm đóng.

Lịch sử là sử truyền khẩu oral history, truyền qua dân ca mà vợ chồng người Áo đang nằm Đảo dài ngày mong cứu vãn.

– Vô cùng khó khăn, ông cho biết.

Người có tuổi thiếu truyền thống kể sử thi, như người Tây nguyên. Nhật, Tây, rồi Hoa tới mang văn minh hiện đại đến. Dân Tao Nam Đảo ấy rồi về đâu?

Đã có nhiều cô gái Đảo qua Đài lấy chồng. Ngôn ngữ mất một ngày không xa. Kí ức bị hao mòn nhanh chóng…

Buồn không!

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *