Inrasara: NO NUKES TAIWAN FORUM -1

1. NO NUKES TAIWAN ĐÀI LOAN

 

Đài Loan, dân số 23 triệu, diện tích 36.197km2. Trước, Liên Hiệp quốc công nhận Trung hoa Dân quốc tức Đài Loan, sau Trung quốc lớn mạnh, đã buộc đảo quốc dân chủ này thành Trung quốc Đài Loan.

Mà đất này đâu phải của tộc Hán! Thổ dân cư trú trên đảo từ thời cổ đại, người Hán bắt đầu nhập cư đến đảo với số lượng lớn vào thời kỳ thực dân Hà Lan và Tây Ban Nha đầu thế kỉ XVII. Sau đó là thời Quốc Dân đảng, họ từ đất liền chạy giặc Tàu Đỏ qua ở đầu thế kỉ XX.

Thủ đô Đài Bắc dù hệ thống giao thông hiện đại tới đâu, vẫn tồn tại bộn xe đạp. Xe đạp được dành ưu tiên lề đường và vỉa hè song hành với xe bốn bánh và xa máy chạy tốc độ đến 50-60km/h.

Lần thứ hai biết Đài Loan, đầu tiên chỉ quá cảnh đi Nhật, lần này tôi mới đến thiệt: 9 ngày! Được bố trí ở khách sạn Đại học Quốc gia Đài Bắc sang trọng.

Buổi chiều trống không, tôi tranh thủ vào khu thư viện Đại học. Rồi tạt qua Cty Điện lực Đài Loan Taiwan Power Company cạnh đó. Ở đây họ mới thay mô hình quảng cáo Điện hạt nhân bằng mô hình các nguồn điện năng sạch. Cũng thức thời chớ bộ! Nhưng chớ tin.

Sáng mai lên tàu ra đảo rồi!

 

Orchid Island Taiwan, hòn đảo quá nhỏ bé đến người Nhật hoàn toàn không đếm xỉa tới hồi thế chiến II, nay 5 ngàn dân bản địa [nói tiếng Nam Đảo] đang phải gánh chịu khối rác thải hạt nhân! Nhà báo Nanami cho hay. Hỏi đời còn khốn nạn tận đâu?

Háo hức chờ, chịu khó đợi đến hơn 3 tiếng đồng hồ. Thế rồi Sân bay báo hoãn, đoàn 4 người nằm lại khách sạn tỉnh lẻ. Buồn hiu.

 

Phận Cham buồn bã, văn chương bết bát, vận nước bấp bênh, trái đất chông chênh.

Ta sẽ còn làm gì đời ta?

 

2- NHÀ VĂN LÀ KẺ CHỌN ĐỨNG VỀ PHÍA SINH LINH CHỊU ĐỰNG LỊCH SỬ

 

Để biết qua về Orchid Island Taiwan, tôi bỏ nguyên buổi ngồi Thư viện Người bản địa của Đại học Đài Bắc. Đại học rộng mênh mông, đi từ khu này sang khu khác, sinh viên phải dùng xe đạp. Thư viện chiếm một phòng trang trọng trong Main Library của Trường. Bao nhiêu là sách, tiếng Hoa, may có một góc nhỏ bằng tiếng Anh, cũng đủ xài.

Ngủ lại đêm tỉnh lẻ Taidong. Đêm yên tĩnh kì lạ, như miền quê. Chỉ chốc chốc tiếng máy bay quân sự rú xuyên màn đêm. Như thể Okinawa. Như thể Ninh Thuận thời chiến.

Lên tàu ra đảo. Hai tiếng đồng hồ, – bạn ngồi cạnh cho biết. Anh còn tin cho hay nếu chỉ được 1/3 là khách bị bỏ lại. Ẹ thế! May, hôm nay hơn nửa số ghế trên 400 ghế được lấp đầy. Sóng dập dồn, biển mênh mông dọa nạt.

Orchid Island Taiwan nhiều chuyện lạ, và thú vị – thứ thú vị buồn.

 

– Tại sao tầm nhà văn như Inrasara không chọn chỗ sang, chốn sướng mà đi, lại cứ đâm đầu vào đất khổ ải, cõi người khốn cùng?

Phóng viên đi cùng hỏi thế! Câu hỏi khá là bất ngờ.

Ừ nhỉ! Muốn làm anh hùng chăng? Nhưng anh hùng với ai? Và anh hùng mà để làm gì về thứ quái quỉ này?

Tôi nói, nhà văn là kẻ chọn đứng về phía kẻ chịu đựng lịch sử, chứ không phải người làm lịch sử. Hắn cần hiểu phận người mọi nơi trên thế giới, cảm thông và chia sẻ.

Có đi vào đất Fukushima, có dấn vào cõi Orchid Island Taiwan ta mới thấu sinh phận con người khốn cùng cỡ nào. Ta như chạm vào đáy cùng của đau khổ nỗi người. Con người đột ngột bị bứng ra khỏi đất mẹ, còn nếu cứ bám vào nó, thì chính mảnh đất quen kia mang ra mấy thứ bệnh lạ tặng ta, và con cháu ta lúc nào không biết.

Đó là định phận của nhà văn. Còn ai muốn sung muốn sướng, thì tùy.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *