NO NUKES TAIWAN! NO NUKES ASIA! -2

3- ĐẾN QUỐC TẾ CŨNG HAM NÓI DÀI

 

Orchid Island từ dân tộc bản địa biệt lập đột ngột bị đẩy rơi tõm vào cõi văn minh hiện đại. Cả tâm thức và sinh hoạt chuyển đổi nhanh không kịp thở. Hành xử của người dân nửa này nửa nọ, rất lạ. Bữa ăn ít rau, hiếm trái cây, ngày qua ngày mỗi sandwich với vài món mì. Xe bốn bánh vẫn còn cho khách quá giang không, cũng đủ biết. Sinh linh chống hạt nhân là những người ít học, nghèo; họ chống với mục đích giữ sạch mảnh đất ông bà.

Đài Bắc ngược lại, nhịp sống hiện đại, văn minh, nề nếp đâu vào đấy. Đại biểu là thành phần có học, và học cao, sang trọng, và nổi tiếng. Họ chống hạt nhân là để bảo vệ xanh sạch cho trái đất.

 

Từ 12 nước, 100 khách đính kèm 12 nhà báo, thêm hơn mươi sinh viên phục vụ đáo để. Ngoài Đài Loan chủ nhà nhiều nhân vật khá trẻ, đại biểu Nhật chiếm số lượng đông nhất, cạnh đó là đại biểu từ các nước, mỗi nước 1-3 người. Có Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Philippines, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kì, Hàn quốc, Trung quốc, Bangladesh, và… Việt Nam là ngài Inrasara.

Nhà Nobel Vật lí 1986 Lee Yuan Tseh, với cả Dave Sweeney nhân vật từ International Campaign to Abolish Nuclear Weapons vừa đoạt Nobel Hòa bình 2017 đến dự cuộc. Các quan lớn thành phố Đài Bắc, cùng 2 trưởng Ban tổ chức Nhật và Đài nữa.

Quà tặng: Áo thun, và khăn chít đầu quảng cáo No Nukes. Tiệc tùng thì miễn chê.

Cùng đất nước cùng mục tiêu, mà vậy. Con người mà!

 

Hội thảo chung.

Nhà vật lí mở màn, được dành nửa tiếng giảng bài khoa học về tai hại của Điện hạt nhân, xiển dương năng lượng sạch cho trái đất. Ông hòa bình Dave Sweeney thuyết hay miễn chê. Nghề của họ mà.

Không thể thoát vài đại biểu ham nói. Lại là đại biểu Mỹ và Trung quốc. Thiên hạ cho 12-15 phút mà mình chơi gấp đôi thì tầm Nobel rồi còn gì. Kẹt là nội dung ấy cần đến thời lượng ấy, không thể khác. Tôi nghe không sót một từ.

Phiền là 3 đại biểu giọng đọc bài, phát âm hệt trẻ tập đánh vần. Nhớ, họ toàn tầm giáo sư, tiến sĩ không hà.

Còn lại thì rất được.

Lecture của Inrasara thu hút ánh mắt hội trường. Dòm xuống không thấy ai chuyện riêng hay lướt FB, khoái phải biết. Giờ giải lao Cham poet được khen nói có điểm nhấn [nhà văn Anh ngồi cạnh dùng chữ: power points], hình ảnh nổi bật, nhịp điệu thuyết chậm mà chắc. Dĩ nhiên có vài từ, phrases phát âm thiếu [và thừa] do nhiễm từ cách dạy ngoại ngữ kiểu thầy cô Việt Nam, may – diễn đàn trang bị slide, nên ý tứ không bị bắt hụt hay trật. Sara còn dễ thương hơn, khi là một trong hiếm đại biểu nói ngắn gọn nhất!

Ờ, thì đâu cũng là con người.

 

Chương trình kế tiếp

Ngày 23-9. 34 đại biểu được phó Tổng thống tiếp ngay trong phòng khánh tiết Phủ Tổng thống.

Sau đó lên xe bus thăm Nhà máy Điện hạt nhân 2 [đang hoạt động] – ăn trưa. Thăm nhà máy số 1 cũ đã ngưng – tiếp xúc với dân. Thăm nhà máy số 4 đã xong nhưng chịu đắp mền, do phong trào phản đối mạnh – nghe dân méc chuyện.

Ngày 24-9. Xuống cực nam Đài Loan thăm nhà máy số 3 [đang hoạt động] – trao đổi tại Hengchun Agricultural Association.

Ngày 25-9. Gặp mặt trao đổi với Pingdong County Government.

26-9. Xong phim, nhà ai nấy về.

 

 

4- PHÓ TỔNG THỐNG NÓI…

NNAF hội tụ sinh linh từ khắp nơi về, loài sinh linh bán trời không chứng. Chả ngán ai.

Tổng kết hội thảo, Ban Chủ trì vừa đọc xong “Tuyên bố chung” (2019-NNAF Statement) thì loạt cánh tay đưa lên. Ta phải có ý kiến, mà nói thì phải ra đầu ra đũa, nghĩa là cần thời gian. Không cho là cãi, cho ít cũng cãi tuốt.

Ngay 9 đại biểu “cao cấp” được mời phát biểu để truyền cảm hứng cho diễn đàn, thiên hạ cho một phút, thì đến hơn phân nửa chơi quá giờ. Tội nghiệp tay tre trẻ được phân công cầm bảng “Time’s up” mấy bận đưa lên đặt xuống, ta cũng chả thèm dòm, cứ nói là nói. Tôi ngược lại, tại đây tôi chơi tắt cụt đến đáng phiền:

I would like to say thank this forum

I would like to say thank Taiwan

I would like to say thank everybody

My message is WE’LL KEEP ON FIGHTING!

 

Sáng vào Phủ Tổng thống, sinh linh đại diện đoàn phát biểu cảm tưởng cũng quyết… nói dài cho bằng được. Ông Sato trưởng đoàn hai bận vỗ tay ra dấu, vẫn không chịu ngưng mới ác chớ. Lời với ý ông vàng ngọc tới đâu, dân làm chánh trị nọ nghe!

Thêm về chuyện tại Phủ Tổng thống. Chốn cơ mật quốc gia, việc khám xét soi mói kĩ càng, hay vụ đứng chờ chụp ảnh độc quyền thì miễn rồi. Long trọng và rườm rà trở thành nghiệp. Nhưng hà cớ đống tai nghe được phát mà chả có mống nào chịu dịch cho nghe? Ông Phó Tổng phát biểu tiếng Hoa, đại biểu Nhật gốc Mỹ dịch cho mỗi ngài Nobel Hòa bình, còn lại thì ngơ ngác. May ông Sara được nhà văn Anh sống ở Nhật 42 năm ghé tai dịch, mới biết ổng nói gì.

Ông Phó hứa với quốc dân đồng bào và trước toàn đoàn rằng, đắc cử kì này, Đảng của ông sẽ cho lò hạt nhân nghỉ chơi luôn từ 2025.

Chịu chơi đến thế là cùng! Hay đó chỉ là cách câu phiếu cử tri? Hãy chờ xem.

 

Sau cuộc, ông bạn nhà văn người Anh thòng cái câu đáng nhớ: Cảnh này đủ gợi hứng cho Inrasara có thêm bài thơ mới! (trước đó tôi cảm tác hai bài ngắn đưa ông xem nhờ biên tập.)

 

5- SỰ CỐ VUI

 

Buổi cuối vào giờ chót Forum xảy ra sự cố, tạo gia vị cho diễn đàn.

Nữ luật sư Đài Loan tuổi băm khá xinh xắn thuyết xong, vừa bước xuống thì bị một người nữ khác chặn ngay lối cửa, la thẳng vào mặt. Cô ta chả phải tay vừa, đốp chát lại.

Hai người nữ đôi co bằng tiếng Hoa, ồn phải biết. Hỏi đầu đuôi mới hay, tham luận cô nàng đặt câu hỏi rất ư là nhà luật rằng, không phải mọi mọi dân địa phương đều ghét Điện hạt nhân. Khối kẻ khui bia ăn mừng nữa là khác.

Có mấy nguyên do: Điện hạt nhân mang công ăn việc làm đến cho họ, họ được phía Cty Điện lực mơn trớn trợ cấp này khác, và cả chuyện mấy cô gái địa phương thêm cơ hội kiếm tấm chồng kha khá nữa.

Câu hỏi cô luật sư đặt ra là, Chính phủ có giải quyết được nhu cầu tối thiểu đó cho người địa phương không? Còn nếu để họ tự lo, túng quá, họ vẫn cứ chấp nhận thứ kĩ nghệ trời ơi này, chả cần biết nó tai hại lâu dài tới đâu ở một tương lai xa. Dân nghèo – mà Điện hạt nhân chuyên kiếm nơi nào nghèo khó mà đặt – cần thỏa mãn nhu cầu trước mắt cái đã.

Cũng có lí đáo để.

Nhưng sinh linh chống Điện hạt nhân mang thân từ các nơi đến diễn đàn là để CHỐNG, tuyệt đối! Cần loại bỏ nó ngay, chuyện linh tinh khác tính sau. Thỏa hiệp hay đi hàng hai đồng nghĩa với tai họa và cái chết. Thế là choảng!

 

Vụ này không thể không nhớ đến sự cố ý kiến trái chiều của nhà văn Di Li về Formosa.

Nữ nhà văn này kêu không cần thiết bứng đuổi Cty này đi, mà Chính phủ Việt Nam phải biết buộc nó thực hiện đúng quy ước hợp đồng. Nếu không thì phạt thật nặng, tái phạm mới đuổi cổ nó. Đúng quá đi chứ!

Kẹt nỗi, khi ấy phong trào chống Trung quốc đang cuồn cuộn, nói lí chả ai nghe, cả dân vốn được gọi là trí thức cũng hệt. Và cô nàng bị đạn.

Thế mới biết, nói đúng chưa hẳn đã hay. Cần đúng nơi đúng lúc nữa! Thế nhưng, không lúc này thì đợi đến thuở nào mới nói?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *