Giải trí cao cấp. NUÔI DÊ HAY LÀM THƠ CŨNG CẦN ĐẾN… NGHIÊN CỨU

Trong kinh doanh buôn bán, “quản lí rủi ro” là nguyên tắc được dân Do Thái đặt lên hàng đầu. Cứ tạm công nhận lí này cái đã, xin kể vài chuyện vui trước.

 

Mùa Đông 2005 dự Trại Sáng tác Đải Lải, tôi mang Tagalau-7 ra khoe với anh chị em văn nghệ DTTS. Một bạn thơ kêu: Chúng tôi sẽ làm cái đặc san như Cham. Tôi nói, không thể đâu. Tại đó có vài người, họ đồng loạt: “Sara chủ quan”. Tôi nói luôn:

– Này nhé, các bạn có người chịu mua đọc không, có cây bút chấp nhận viết không nhuận bút không, các bạn có nghe theo một chủ biên không, và nhất là chủ biên đó có chịu lỗ mỗi kì một cây vàng không? Các bạn CÓ THỂ lắm, chớ Cham thì đã CHẮC CHẮN rồi. 4 năm khảo sát và thử nghiệm, tôi mới quyết được. Từ “có thể” đến “không thể” cách nhau có nửa bước chân – tôi kết.

Và họ đã không thể thật, dù dân tộc có tỉ lệ trí thức hàng đầu Việt Nam, số lượng người viết đút túi thẻ Hội Nhà văn gấp 12 lần Cham.

Làm báo, không nghiên cứu thị trường chữ nghĩa, chết chắc.

 

Thuở ở quê mở quán tạp hóa, qua năm tôi thành công lớn, tiếng cả vùng. Ba bạn học lớp trên thuở Pô-Klong ở làng khác mới mời qua nhà mổ gà đãi, để “tầm sư học đạo”.

– Mi thế nào chứ, tụi này học có thua gì mi lắm đâu mà làm ăn cứ trầy trật…

– Đưa cuốn sổ kết toán hàng tháng xem cói – tôi nói.

– Sổ gì?

– Bạn chết bởi cái từ “sổ gì?” đó…

Buôn bán cần biết: Quản lí hàng hóa, quản lí khách hàng và quản lí sổ sách. Chất lượng hàng thì ở quê quán nào quán nấy hệt, không bàn; bạn biết chiều lòng khách, có thể; riêng việc kiểm kê đánh giá con số định kì bạn bỏ qua, chính là điểm chết.

Dù bán hàng nhà quê, bạn cũng cần biết đến 3 chơn kiềng cao cấp ấy.

 

Năm 1993, ở Sài Gòn tôi trúng đậm 20 triệu, mua 16 con cừu mẹ lúc đó đang hot gửi bạn học ở Cwah Patih nuôi. Mãi năm sau tôi mới báo bà xã hay, thì bị la: Chuyện to vậy mà im im. Tôi nói, to gì đâu, vui thôi. Mà đích thị vui thiệt. Ba năm sau, đàn cừu từ 16 con tuyển chọn tăng lên thành… 18 con, trong đó có 5 con già háp quá lứa đẻ.

Tôi chuyển qua tay ông anh họ ở Hamu Tanran ăn chắc mặc dày, thì 3 năm sau – như thần, đàn cừu tăng vọt hơn trăm. Và rồi như quỷ ám, giá cừu tụt dốc thê thảm, đến tôi phải bán tháo. Được cái, mấy năm đó nhóc tôi mỗi hè lên núi rỡn với lũ cừu.

Biết thất bại, vẫn làm – để vui.

 

Khác…

Vụ “biểu tình” ở Trường Mai Thúc Loan năm ngoái, đang dầu sôi lửa bỏng, “chủ xị” mời tôi về quê tham vấn. Lúc đó thế giằng co 50-50. Chị đưa cho tôi xem một bằng chứng chắc cú, tôi bảo “cất ngay đi”. Cái chứng cứ hại mình mà không biết tưởng ngon, chị tạm nghe nhưng rồi sau đó nghĩ dại – vẫn đưa ra, cuối cùng cán cân nghiêng hẳn về phía đối phương: Chết không kịp ngáp do không chịu nghiên cứu!

Thuyết trình, tôi đoán trước [và trúng] đến 90% câu hỏi từ thính giả, 10% còn lại do người hỏi lạc đề.

Hôm thi Đại học, vừa ra khỏi phòng bạn TLT khoe viết văn đến 4 trang, tôi kêu: Chết, lạc đề rồi, cùng lắm là 0,5 điểm để trả công yut viết thôi. Bạn nổi khùng, và khùng sai, bởi kết quả ra sao làng trên xóm dưới đã biết.

 

Kết.

Vậy đó, làm chuyện lớn nhỏ nào bất kì cũng phải nghiên cứu, nghiên cứu để quản lí rủi ro. Từ mở quán, nuôi dê đến làm thơ cũng cần tới nghiên cứu, càng sâu càng tốt. Nghiên cứu kĩ, và dùng TRIẾT HỌC PHÂN TÍCH con số cùng các khía cạnh vấn đề mới tránh thất bại. Ai bảo triết học là vô ích?!

Tiếc, nhà thơ Việt Nam tin vào năng khiếu hơn khoa học, thế nên ai cũng nghĩ mình có thể làm được thơ. Cả nước làm thơ là vậy. Hệ lụy: Việt Nam thành cường quốc thơ là điều khó tránh.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *