Tôi làm thơ hậu hiện đại, thơ tân hình thức, thơ hiện đại, thơ “cố điển” các loại đủ cả. Mà ở hệ nào cũng… ha[…] Bài “Bất chợt Tây nguyên” thuộc hệ sau, chưa in tập nào.
Hôm trước ghé Trung tâm Bản quyền Âm nhạc TPHCM lấy nhuận bút “nhạc sĩ Inrasara” mới biết nó được phổ nhạc, và hát đây đó. Tôi còn chưa biết nhạc sĩ nào phổ, và ca sĩ nào hát ở đâu nữa! Qua đó mới đọc gặp bài bình này, dù nó đã đăng ở Văn Nghệ Đak Lak 6 năm trước (24-2-2013). Post ở đây để bà con xem thử tôi nói có đúng không hén. Và nhân tiện, nói lời cảm ơn bạn thơ luôn – Sara.
BẤT CHỢT TÂY NGUYÊN
Bỗng thèm tiếng chim kêu ngang trời chiều
bỗng thèm bóng mây trôi qua tuổi nhỏ
chợt nhớ bước chân mấy mùa lãng tử
chìm bụi đường nào xa xôi.
Rừng về đâu cho chiêng hụt hơi
người về đâu cho “khan” trễ nải
em về đâu cho Tây Nguyên vòi või
ngóng em trắng bạc mái đồi.
Giọng mẹ ru đầu vẫn còn cho tôi
vẫn còn cho em đường văn thổ cẩm
vẫn còn cho plây vạn ngàn bức tượng
nhà mồ kiêu hãnh sau xưa.
Lời bình: Đỗ Toàn Diện.
Cách đây gần ba chục năm, khi đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên, tôi đã từng nghe câu nói cửa miệng “Buồn Muôn Thuở”, bởi xung quanh tôi toàn là rừng. Rừng nguyên sinh phủ kín, rừng mọc suốt ven hai bên đường quốc lộ. Thị xã Buôn Mê Thuột và các thị trấn chẳng cách rừng bao xa.
Nhưng đến bây giờ, rừng đã lùi xa thành phố. Rừng bị bọn lâm tặc tàn phá đến ghê sợ, thay vào đó là những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn.
Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên này, thì làm sao có thể quên được hồi ức tuổi thơ ? Ai mà chẳng thèm thuồng về một thời tuổi nhỏ, nhà thơ Inrasara đã từng viết về điều đó.
Bỗng thèm tiếng chim kêu ngang trời chiều
bỗng thèm bóng mây trôi qua tuổi nhỏ
Tôi thiết nghĩ, con người thường thèm về vật chất như những đồ ăn, thức uống, thèm những khoái lạc trên đời… nhưng ngược lại Inrasara lại thèm khát những cái bình dị nhất. Đó là hồi ức tuổi thơ. Những cái mà trước kia chỉ cần chìa tay ra là có thể nắm bắt được như tiếng chim hay một bóng mây cổ tích hoặc âm vang của dàn cồng chiêng làm rung chuyển đại ngàn. Những hồi ức ấy giờ chỉ còn là quá vãng. Tiếng chiêng ấy giờ chỉ còn lỏi chỏi như những âm thanh gõ mâm, gõ chậu mà thôi! Cái âm thanh lèng phèng nghe ma chua chát, xót xa biết chừng nào! Bởi sự cộng hưởng của rừng không còn nữa cho nên âm vang của tiếng chiêng cũng bị hụt hẫng. Nhà thơ rất khéo léo khi phê phán nạn phá rừng bằng những câu thơ hết sức gợi cảm.
Rừng về đâu cho chiêng hụt hơi
nười về đâu cho khan trễ nải
Ngoài những ý thơ gợi mở và phê phán nạn phá rừng. Nhà thơ Inrasara còn cảnh tỉnh chúng ta. Những nhà dân tộc học, những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nếu không khẩn trương đi vào các làng buôn để sưu tầm và lưu giữ dòng văn học dân gian thì một mai nó sẽ bị thất truyền. Cái kho tàng văn học dân gian ấy, chỉ các già làng là những nhân chứng sống còn lưu giữ. Những già làng ấy nay tuổi đã cao, sức đã yếu, sống lay lắt như ngọn đèn trước gió; có thể họ sẽ đem theo những trường ca, những áng ca dao, những lời ru, những câu tục ngữ, những truyền thuyết “những đường văn thổ cẩm, những “bức tượng nhà mồ” cất dấu nơi ngàn thu. Nhất là dàn cồng chiêng một kho tàng văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Hiện vẫn còn đang tiềm ẩn trong dân gian mà chúng ta chưa khai thác hết:
Giọng mẹ ru đầu vẫn còn cho tôi
vẫn còn cho em đường văn thổ cẩm
vẫn còn cho Plây vạn ngàn bức tượng
nhà mồ kiêu hãnh sau xưa.
Nhà thơ Inrasara rất có ý thức trong việc giữ gìn và tôn tạo vốn văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra anh còn quan tâm đến cả nền văn hóa của các dân tộc khác.
Bài thơ “Bất chợt Tây Nguyên” là một bài thơ giàu hình tượng, mang tính biểu cảm cao, hàm súc mà rất gợi, mang một phong cách thơ hiện đại. Khi ta đọc lên gợi sự liên tưởng đến một dàn cồng chiêng trầm hùng giữa Cao Nguyên đại ngàn cứ ngân rung mãi không thôi!