Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan (Kiều)
Tôi với Cham không phải duyên mà chịu nợ. Nợ khủng.
Hơn mươi năm trước, trả lời báo chí, tôi nói: Nếu tôi là dân Đức hay Ấn, tôi đã là triết gia rồi; là Cham, tôi mới làm nhà nghiên cứu, kẻ hoạt động xã hội lên tiếng về các vấn đề cộng đồng, và mang nợ. Nợ ngày càng chồng chất. Nợ, làm nên yêu ghét nỗi người, là thứ miễn nhiễm với triết gia.
Cham có ghét tôi không? – Có, nhiều nữa là khác. Tôi ngược lại, dường chưa bao giờ gánh tâm lí ấy, dù ở góc khuất nhất của tâm linh.
- Ba năm trước, ông anh Bá Văn Trinh hai bận gợi ý tôi gặp Po Dharma ở Cambodia. – Anh Năm muốn gặp Sara lắm đó, – anh nói, chỉ tâm tình anh em thôi, chứ không đả động gì khác. Tôi nói: – Được, mà nếu bàn vấn đề gì khác có sao đâu.
Tôi viết đâu đó, ngoài chuyện gia đình với tình cảm riêng tư – và Akhar thrah dĩ nhiên, tôi có thể thảo [tranh] luận thoái mái với Cham về bất kì vấn đề nào liên quan đến cộng đồng, mặt đối mặt hay trước tập thể.
PD có ghét tôi không? Chắc chắn là có, khởi từ vụ tôi “trao đổi khoa học” với anh về sử thi Dêwa Mưnô. Đấy là sai lầm duy nhất của tôi với anh. Chuyện xảy ra năm 1994, dù sau đó hai bận tôi nhận lỗi trong bài viết; nay nếu gặp anh, tôi sẵn sàng xin lỗi lại. Không phải tôi sai [tôi trao đối là từ chết đến bị thương], mà là, không nên với người anh đi trước.
Là lần duy nhất, sau đó anh phạm rất nhiều “lỗi” với tôi, tôi bỏ qua tuốt. Mới nhất, năm 2016 – qua một đoạn văn về vụ bắn trâu, anh nhắc đến tôi rất không thiện chí, tôi mới cất công qua Cambodia gặp bà Nataya, đọc hồ sơ Fulro, vào thư viện Bangkok, đi khắp Panrang Parik phỏng vấn hơn chục gia đình sinh linh “chịu đựng lịch sử” để làm nên bài viết 12 trang. Qua một người bạn, anh nhận được, đọc, và im lặng.
Nếu gặp anh, tôi nói tiếng nhận lỗi đầu tiên (vụ sử thi), sau đó là lời cảm ơn, bởi từ rất sớm – năm 1987 nhờ anh, tôi phân biệt được Cham và Champa, cuối cùng nhìn thẳng mắt anh và chỉ ra hai sai lầm nghiêm trọng nhất của anh. Tiếc, cuộc gặp “thượng đỉnh” ấy đã không diễn ra, và anh cũng thành người thiên cổ rồi.
- Với Cham còn lại, tôi chưa một lần phạm lỗi đáng gọi là lỗi. Nhân nhượng và nhân nhượng. Dù họ có viết, nói, phát ngôn về tôi thế nào đi nữa. Tôi, hoặc im lặng, hoặc nói qua loa, còn nếu viết bài bản, tôi gửi riêng họ đọc.
Với cá nhân là thế, ngược lại nếu phát ngôn đó tác hại đến bên thứ ba, tôi không thể không đính chính. Nhẹ nhàng, nhưng cương quyết. Chứ tuyệt không tới bến như tôi từng với giới chữ nghĩa Việt. Tại đó tôi lộ nguyên hình là dân chiến. Trên báo chí, lẫn diễn đàn thực.
Mới hôm qua thôi, vụ nhí ĐVS, sau khi dồn nhà văn này vào thế bí, tôi còn chặn luôn lối thoát cuối cùng của ông: “Ừ, ở đây, ĐVS có thể viện đến “cảm nhận thơ khác nhau” – thứ chiêu các nhà “cảm nhận” ta ưa mang ra xài như là ngõ hậu thoát thân. Mời bà con xem qua tiết mục [2. Mù lí thuyết] để xem ông cảm nhận trật lất thế nào.”
Hay trước nữa, vụ tiến sĩ ĐH Paris VII Nguyễn Văn Huy nghe hơi nồi chõ, tán sai bậy về Cham đầy tai hại. Tôi bỏ ra non tháng đi điều nghiên, phỏng vấn chục người rồi viết, khiến ông này chả biết đàng mà rờ.
Nói thế không phải tôi “xem thường” “trí thức” Cham, rằng họ không đáng trao đổi, mà tôi coi mỗi Cham là một sinh linh sống sót đầy thương cảm, luôn dành cho anh chị em lối thoát.
- Ngay từ thiếu niên, tôi thấy mình quá khác Cham, cả người cùng thời, hay thế hệ trước đó.
Thư viện Trường Pô-Klong đủ loại sách, mỗi tôi rớ tới Dostoievski, Faulkner, còn lại hết Tề Thiên Đại thánh đến Tự Lực Văn đoàn mà chuyền tay nhau. Sau đó, bạn học tôi không ai biết tới tên Heidegger, Long Thọ, Krishmanurti nói chi săn tìm.
Đọc, khác đã đành, tôi còn mang “tinh thần thủ kho”, thứ Cham cực kì thiếu. Từ tìm chép tay văn bản cổ cho đến lang thang palei Cham ghi “câu chuyện” cuộc người. Đi gặp “trí thức” Cham, tôi chú ý mấy thứ tưởng như không đáng kể đó, chứ không phải khai thác kiến thức các vị. Thầy Nguyễn Văn Tỷ hay thầy Quang Sang Luu, bác Lâm Nài hay chú Châu Văn Mỗ, ông Thập Văn Thơ Văn Lâm hay giáo Bưởi Cwah Patih… Là kho tư liệu đời vô cùng quý dành cho nhà văn.
Jaya Mrang chẳng hạn. Ông là nhân vật hot và đa tài: Đá bóng, hát, thơ, dê, nói tục và cả… xách động. Tôi đã có riêng một bài về ông: “Urang Cham 2”. Thuở lớp Nhì, ông hay đọc thơ mình cho bọn trẻ nghe; lớp có đến 30 mạng, mỗi tôi nhớ, sau đó ghi lại. Năm 1974, anh em chúng tôi trọ nhà chị Sỉ tôi ở Phan Rang, nơi ông hay ghé “yong bbang”. Có đến non chục đứa mê mệt ông, mê cách ông nói tục với “tiếng hát Chiêm nhân” siêu đẳng của ông, mỗi tôi chú ý chuyện thời sự chính trị Cham ông mang từ Cambodia, Tây Nguyên về.
Lạ, hè 75, khi ông hiệu triệu Cham “nao ngak ia” (đi làm nước), tất cả bọn trẻ mê “tục lụy” ông xách ba lô ào lên núi, tôi – kẻ yêu “tri thức” ông, là đứa duy nhất không nghe theo ông thầy mình! Có thể nói, tôi rành Jaya Mrang sáu câu vọng cổ, rành – để biện minh cho ông, như một sinh linh Cham tài năng, đậm tinh thần dân tộc, và là nạn nhân của thời cuộc.
Là sứ mệnh của nhà văn. Như một cách trả nợ!
Tôi có trả nổi nợ không, và đã trả được đến đâu, không biết.
Dẫu sao đã là Cham – như tên một tác phẩm của Phạm Công Thiện-, tôi cũng phải “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”.
________
- Sau “giải phóng” rỗi việc, tôi, Tiến (Trà Vigia) và anh Trăng (em ruột Jaya Mrang) rủ nhau vác cạm ra ruộng bẫy chuột, ăn ngủ lại ngoài đồng. Sáng trăng, anh em nói ước mơ tuổi trẻ của mình. Tiến mơ về tiểu thuyết sử thi bao quát toàn bộ lịch sử Champa, tôi chắt từ khối tư liệu lịch sử “ngoại vi” viết từ nổi dậy Thak Wa trở lại.
Mười lăm năm sau, Tiến trắng giấy, tôi ngược lại: 3/9 tập độ 1.200 trang. Đang ngon trớn thì bà xã rủ mở quán tạp hóa chiếm hết thời gian, rồi mất cả hứng. Tiểu thuyết có tên: Truyền Thuyết Champa, sau đổi thành Con Đường Vô Tận; bút danh: Inra Sing. Vào Sài Gòn, nhận ra tiểu thuyết kiểu Chiến tranh và Hòa bình quá ư lạc hậu, tôi cho nó lưu kho, không một lần đá động tới.