Giải sân hận-17. TÔI CÓ GÌ PHẢI GIẤU GIẾM KHÔNG?

[tự khai vụ xuất ngoại, minh giải nhà văn “đại biểu” dân tộc, và…]

 

Trước khi tổng kết “giải sân hận” như bạn FB Cao đề nghị, tạm đăng bài này trước, như một cách tạo đà.

Khác với nhà chính trị mà mỗi phát ngôn là mỗi tính toán thiệt hơn [dù lắm lúc vẫn cứ hớ ngu], nhà văn ngược lại: phơi mình ra thế giới bất kể lợi hại.

 

1. Chuyến đi Nhật, Inrasara có giấu giếm gì không?

Là câu hỏi của một bạn FB, tiếp đến là giọng điệu đầy khiêu khích. Tôi ẩn nó. Lẽ ra cũng nên quên luôn đi, không may là nó nhận trả lời từ một bạn FB quen thuộc: Cei Sara công khai đi, để tránh hồ nghi chả đáng?

Giấu giếm ư? – Buồn cười! Vừa về đến nhà, tôi đã thông tin serie có 32 bài cả ghi chép lẫn đối thoại, sẽ tuần tự lên trang cá nhân hầu bạn đọc. Thế rồi, trong khi ông anh yêu quý Ysa Cosiem muốn tôi đăng hết, thì một bạn trẻ vô cùng yêu quý khác: Anh nên gác lại đi, và tôi đã vâng, chỉ đăng thêm hai kì. Cho ngưng cả các bài báo Nhật viết về chuyến đi vui vẻ ấy.

Sự thể như vầy.

Từ buổi chuẩn bị đến giờ lên máy bay tận khi trở về, tôi tuyệt không biết đâu nơi mời mình. Leaflet tiếng Nhật phát khắp, tôi cũng không tò mò hỏi ở trỏng nói gì. Mãi sau tình cờ qua một người bạn, tôi mới hay, có đến 6 đồng tổ chức: Okinawa Environment Network, Okinawa University, International Research Peace Association Japan, vân vân.

Rút kinh nghiệm từ chuyến đi Chicago dự Đại hội thế giới Ấn Độ, ở đó tôi là khách mời duy nhất từ VN lại bị hụt, vụ visa tôi báo cho phía Nhật hay giấy tờ hành chánh tôi rất kém, các bạn lo cho tôi trọn gói đi. Và họ làm được. Bổn phận tôi là… nói.

 

Tôi nói gì? Ba chủ đề, như “nghiên cứu hòa bình” yêu cầu:

Hải sử Champa và Văn hóa biển Cham: Dài và xa, Cham đã biết kết nối các lục địa khu vực, qua đó con người hiểu nhau hơn. Văn học ngoại vi Việt Nam: Chính cánh này đã phiêu lưu làm mới văn chương, làm giàu sang nền văn học một dân tộc, một đất nước. Nghĩa là cũng gánh nghĩa vụ kết nối con người.

Người Cham và Điện hạt nhân, là chủ đề bị báo chí quay căng hơn cả. Báo chí tự do mà, ngán ai. Bạn tránh né là bị tẩy chay ngay. Đề tài này, tôi không chỉ đề cập nguy cơ hiện tiền với Cham, mà nhấn ở ĐHN khiến vùng đất thành đất chết, tác hại vô tận đến môi trường khu vực và, toàn cầu.

 

2. Bạn FB khác còm đầy mỉa mai, ý rằng Inrasara xem mình đại biểu Cham. Tôi trả lời dài, để rồi không nhận được một vọng âm. Tôi để bụng, rằng nếu vụ này lặp lại, tôi block như bỡn!

Cá nhân tôi chưa tự nhận ở bất kì đâu mình là đại diện, đại biểu Cham. Vài nhà báo viết: “Inrasara, nhà thơ đại biểu dân tộc Cham” bị tôi gạt phăng. Kêu nhà thơ tiêu biểu thì được, bởi nhà thơ chỉ đại diện cho tiếng nói của hắn thôi.

Các vụ lên tiếng cộng đồng, không ít bận bà con nâng cấp tôi “đại diện”, tôi cũng chỉnh lại cho chuẩn. Đó là tiếng nói trí thức, còn đại diện phải là Đại biểu ở Quốc hội cơ. Đây không phải giả vờ khiêm tốn, mà là tình thật và, chuẩn ngôn từ.

 

3. Trở lại vụ “giấu giếm”.

Ngoài trần gian muôn màu, tôi nói: Với bạn bè hay con cháu, với người thân hay kẻ lạ, cả với cánh an ninh, tôi nói cùng nội dung, cùng giọng điệu. Ở đó, hoặc tôi im lăng, hoặc tôi nói thật, chứ tuyệt không nói giả. Và thường thì tôi chọn: NÓI.

Với tư cách nhà văn, quan điểm tôi rất rõ: Nhà văn là kẻ đi đến tận cùng sự thật, gọi tên nó lên, còn sau này ra sao không tính tới. Thường thì hắn nhận phần thiệt, như đa số nhà văn trên thế giới đã.

Nhiều loại “sự thật”, riêng sự thật khách quan, nhà văn cần tôn trọng nó. Sự thật lịch sử chẳng hạn, ba mảng: [1] Sử liệu chính thống (văn bản các thứ …), [2] tư liệu ngoại vi (hồi kí, nhật kí, ghi chép của người trong cuộc hay kẻ làm lịch sử, [3] và cả chuyện kể ở phía chịu đựng lịch sử. Nhà văn tham khảo hai mục trên, nhấn về phần [3] này. Viết, là để biện minh cho con người.

Hắn diễn tả bằng ngôn từ chính xác nhất có thể, bởi nếu tránh né, hắn từ bỏ tư cách nhà văn của mình. Cuối rốt, hắn cần diễn đạt có văn, có giọng, nghĩa là – cá tính sáng tạo. Nếu không, hắn làm nhà báo thì hơn.

 

4. Bởi không là “đại biểu”, nhà văn cũng không “nhân danh” nữa.

Cá nhân hay dân tộc ở đâu và thời nào bất kì không khác nhau mấy: hỉ nộ ái ố, đủ cả. Do hoàn cảnh địa lí, truyền thống văn hóa lịch sử mà tính nào đó trội hơn.

Phía trời Tây nhắc đến Achille, chữ hay dùng là: “phẫn nộ”, “cơn giận”; ngược lại trời Đông, ở Ngũ Tử Tư là: “căm thù”, “oán thù”. Sử Ký bình về con người Ngũ Tử Tư: “Oán thù đối với người ta thực là thâm độc làm sao.”

Cham gần với Achille hơn Ngũ Tử Tư. Viết: “Cham không căm thù. Thù đậm, thù dai, thù truyền đời càng không. Giận, thậm chí rất giận dữ thì có, nhưng thù, hận, căm thù, hận thù – không”, chỉ là cách nói gây chú ý.

Cho “Cham không căm thù” không phải nhân danh Cham mà nói. Như Lỗ Tấn viết: Văn hóa Trung Hoa là “thứ văn hóa ăn thịt người”, ông không “đại diện” cho dân tộc Hoa, mà muốn nhấn vào tính xấu nổi trội kia, mổ xẻ nó để người Tàu nhìn lại mình.

Inrasara cũng vậy, nêu bật một đức tính Cham: không căm thù, và thử phân tích với vài dẫn chứng cần thiết. Còn nó có thuyết phục nổi ai không là chuyện khác rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *