Đọc một bài viết, lướt qua một status hay cái còm trái tai; bị phản bác trước đám đông đến quê một cục, hay chỉ vài lời dèm pha nghe được, ta mất ngủ cả đêm trường. Rồi ngày qua tháng qua, ta có nguôi ngoai chút đỉnh, nhưng ngọn lửa vẫn cứ âm ỉ cháy. Âm ỉ để lắm lúc đột ngột nó dậy cơn ấm ức, mức độ còn mạnh hơn xưa, đến dù vận dụng bao bài tủ trích từ sách học làm người, ta vẫn không dứt ra được.
Thế là ta tìm cách trả thù…
Từ va quẹt mang tính cá nhân sang va chạm thuộc lĩnh vực văn hóa, cho đến đụng độ thuộc phạm vi chính trị, tôi lãnh đạn đủ và kinh nghiệm đầy. Nên ghi lại, bởi dẫu sao cũng là bài học cần ôn tập. Cho mình thì ít, cho bà con, nhiều hơn.
Làm sao thoát khỏi ý định trả thù vụn vặt kia?
“Con người là dòng sông dơ bẩn. Phải là biển cả bao la mới có thể dung chứa dòng sông dơ bẩn kia mà không làm ô uế mình” – Nietzsche hô, và làm. Nhưng bởi không là biển cả mà cố, hậu quả: điên.
Tôi vốn mê Nietzsche, chắc chắn sẽ rơi vào cảnh ngộ chàng, nếu cơ duyên không run rủi tôi gặp Đức Phật một năm sau đó, ở tuổi hai mươi. Tôi ngộ rằng mình cũng chỉ là
con sông đau khổ chảy vào bể khổ cuộc người, và… đắc đạo!
*
“Giải sân hận” ở đây bỏ qua chuyện xảy ra ở đất Còm hay xứ Bloh, mà chủ yếu thu gom các phân mảnh từ bài viết nghiêm túc đăng trên tạp chí, báo, website thế giá. Là các ý kiến ngộ nhận thực lòng, hoặc người viết hạ quyết tâm đẩy tôi về cõi bờ ấy.
- Ở bên này, nhà thơ Lệ Thu cho tập thơ Sinh Nhật Cây Xương Rồng “khát vọng phục thù, ước mơ đảo ngược” (báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn). Ớn thế chứ!;
còn giáo sư Mai Quốc Liên sẵn tán bài thơ “Lổ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh, đã quá giang sang tôi rằng Inrasara “ca ngợi loại thơ phi lịch sử này, ý đồ gì ai cũng biết” (báo Thể thao & Văn hóa của Thông Tấn xã Việt Nam), trong khi tôi chưa một lần nhắc đến bài thơ nổi [tai] tiếng ấy;
thì phía bên kia một Cham đồng tộc cho tôi “làm văn chương chính trị, đồng lõa với thế lực công an Việt Nam chống lại hội đoàn Cham hải ngoại” (tạp chí CPK), trong lúc tôi còn chưa biết Cham hải ngoại có bao nhiêu hội đoàn, tên khai sanh là chi.
- Ở bên này Nguyễn Thành Thống cả quyết Giải thưởng CHCPI (thuộc Sorbonne) dành cho Văn học Cham khái luận (1994) “giá trị văn chương học thuật thì ít mà chính trị thì nhiều” (Ganesha.sky.vn). Vậy đích thị là ý đồ thâm độc của “địch”. Thế năm 2009 Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh trao cho chính tác phẩm đó, là ý đồ xinh đẹp của ai?;
thì ở phía ngược lại, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh viết: “Inrasara xiển dương cách tân thơ, đặc biệt tích cực truyền bá chủ nghĩa Hậu Hiện Đại… nhưng chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?” (Vietlit). Giải ma cô là giải Hội Nhà văn, nghĩa là ông Sara chuyên gia ăn lộc chế độ; nghĩ cùng thể cách: 4 quốc gia với các tổ chức khác nhau trao giải cho Inrasara đều thuộc diện “ma cô” tuốt luột!
- Trong khi bên này phó giáo sư tiến sĩ Phạm Quang Trung kêu to “Inrasara cho cái gì của Cham ông cũng nhất” (tạp chí Nhà Văn), mà tôi có dại bút thế bao giờ!;
thì phía khác, một nhà học vị Cham thương mến gán cho tôi danh hiệu “phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc”!
Nhỏ lẻ khác: Hết ông Inrasara mang “ý đồ chủ soái văn đàn”, đến “tưởng mình là nhà thơ cách tân nhất hiện nay”. Đấy là chưa kể vụ “nhà thơ lớn” lặp đi lặp lại như thứ điệp khúc bất hủ. Vân vân.
Làm sao “giải sân hận” bao nỗi ấy? Sau đây là ít kinh nghiệm rất đáng truyền y bát, khi mình đã ở bến bờ bên kia.
Trước hết, ngay khi đọc phải, tôi ngó lơ chỗ khác, coi như không có nó trên đời. Bằng không, hứng lên. tôi giải minh tới bến – một lần, hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi.
Hoặc tôi viết bài phản biện bài bản, chả đăng đâu, chỉ giữ làm kỉ niệm. Hay, thôi thì dẫu sao mình đã được chút chút, còn họ chả có chi, cho họ thắng như phần thưởng an ủi. Hoặc gồ hơn: Dấu hiệu thiên tài, khi khối kẻ ngốc xung quanh xúm lại chống hắn.
Nếu vận dụng bao chiêu ấy mà ý định trả thù vặt còn tồn đọng ở góc khuất tâm linh, tôi liền ngồi kiết già… thiền định: Nội quán, dõi theo từng động tĩnh của nó, tuyệt không phán xét cũng không dằn nén hay loại trừ, cuối cùng nó tiêu trừ lúc nào không hay.