Tôn giáo Ahiêr Awal. TÌNH YÊU & SỰ CHO

Tục ngữ Cham: Nit joh drei ô hu get brei jāng yau ô nit:

Thương mà không có gì cho/ Thương đến ốm o, cũng như không thương gì cả.

Đó là sự thật không thể chối cãi.

Xã hội Cham hiện đại, gần như bỏ trống giáo dục con cái. Giới tăng lữ không giáo dục tín đồ, cả giáo lí lẫn giáo luật. Chẳng những không dạy, lại quan niệm: Tín đồ không biết càng tốt. Trong gia đình, khi truyền thống Mūk Thruh Palei bị đứt mạch, cha mẹ gần như phó mặc giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội ngoài kia.

Vậy mà không ai không tự nhận yêu NIT con cả!

 

  1. Định mệnh dân tộc Do Thái vừa giống vừa khác Cham.

Tôn giáo hai dân tộc cũng hệt.

GIỐNG, đó là tôn giáo dành riêng cho dân tộc, chính xác hơn, là Tôn giáo Dân tộc.

“Do Thái giáo bao gồm tôn giáo, tư tưởng triết học và văn hoá của người Do Thái. Do Thái giáo bao gồm một tập tài liệu văn bản tôn giáo đồ sộ, các cách thực hành đạo, các chức vụ thần học và các tổ chức cộng đồng tôn giáo. Kinh thánh Torah là một phần của văn bản tôn giáo đồ sộ này được gọi là Kinh Tanakh hoặc Kinh Thánh Hebrew, và bổ sung thêm là các giải thích kinh thánh truyền thống” (Wiki)

Tín đồ Do Thái giáo dù sống bất kì đâu, đều được dạy đạo Do Thái.

Ý thức bảo tồn ĐỨC TIN TÔN GIÁO, và TINH THẦN SÁNG TẠO. Xin nhắc lại: Bảo tồn thôi chưa đủ, mà phải sáng tạo. Thế nên không lạ khi dân Do Thái [và người gốc Do Thái] chiếm tuyệt đại đa số giải Nobel các loại.

KHÁC: Halau janưng Tôn giáo Ahiêr Awal hoàn toàn bỏ mặc tín đồ làm gì làm!

 

  1. Giáo dục gia đình Do Thái càng khác xa Cham nữa. Ý thức rằng, từ 5 tuổi đứa con đã hình thành nhân cách, người Do Thái dạy con từ trong bụng mẹ. Vợ chồng cùng cử nhân, người vợ sẵn sàng ở nhà để dạy đứa con, để cho đức ông chồng lo kiếm tiền.

Họ dạy con yêu dân tộc, yêu truyền thống văn hóa dân tộc.

Họ dạy con yêu sách, yêu sự sáng tạo [Cham không thiếu truyền thống này.]

Do định mệnh đặc biệt, họ dạy con tinh thần độc lập, tự lập; biết kiếm tiền, yêu sự giàu có. Giáu có, họ dùng của cải phát triển trí tuệ và bảo vệ nòi giống mình [Mūk Thruh Palei dạy Cham không khác!].

Cham ngược lại, hiện tại không dạy gì cả, mà chỉ biết… la!

Mẹ không “dạy” tôi kêu “anh” Đạm, khi hai tôi mầy tao với nhau, mẹ “la”: Hai đứa ra khỏi lỗ mội một ngày à? Không lạ, thế hệ trẻ hôm nay hay “la” nhau, la đàn anh, là chế độ… Từ khi có facebook, ta càng “la” dữ!

Thường cha mẹ yêu con cái qua hình ảnh của chính mình, như là một mình-nối dài. Nối dài một dự án dở dang, một ước vọng thất thố, một lí tưởng đổ vỡ. Họ xây dựng hình ảnh con cái theo dự phóng của họ. Để đạt mục đích, họ uốn nắn, ép buộc con cái nghĩ theo, làm theo, sống theo hình ảnh kia. Họ biến con cái thành thứ Theo-ists thuần thành rập khuôn theo chính hoài bão của họ.

Đó là họ yêu họ chứ không phải yêu con cái.

 

  1. Trở lại với tục ngữ ở trên. Nit joh drei ô hu get brei jāng yau ô nit:

Thương mà không có gì cho/ Thương đến ốm o, cũng như không thương gì cả.

Yêu con, tôi đã làm gì?

Thứ nhất, lo cho chúng đủ đầy nhu yếu thường nhật, học hành tử tế;

Tiếp đến, dạy chúng yêu sách, nghĩa là yêu tri thức;

Thứ ba, nói tiếng Cham, yêu văn hóa dân tộc, và biết danh dự dân tộc;

Cuối cùng, là tinh thần độc lập và tự lập.

Tình yêu là ưu tư, chăm sóc. Là phát hiện ra khả tính của con cái, dõi theo nó, tạo điều điện tốt nhất cho khả tính ấy ra hình hài và phát tiết. Tôi gọi đó là tinh thần dân chủ ở cấp cao.

Tôi vận dụng tinh thần ấy ngay trong cuộc sống thường nhật của gia đình: dân chủ tuyệt đối. Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh. Mỗi đứa con mỗi khả tính khác nhau, tôi chấp nhận nó, và “ưu tư, chăm sóc” nó nhi tiến. Còn chúng phát tiết tới đâu còn tùy trời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *