ĐỪNG VÀO ĐẠI HỌC…
giảng đường là thứ lò đào tạo con người tiêu chuẩn
bạn bị nhồi nhét mớ kiến thức tiêu chuẩn để phục vụ chế độ hiện hành
không gì hơn, không gì khác
Nếu đã lỡ vào, ĐỪNG HAM HỌC GIỎI…
bạn sẽ lãng phí năm tháng đẹp nhất của đời mình thu nạp mớ lạc hậu
bởi chúng là thứ vô bổ
bước vào trận đời, bạn buộc thải chúng ra để nạp tri thức mới, khác và thiết thực – vừa phí giờ vừa tốn sức
Ra trường, bạn CHỚ LÀM CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC
ở đó, các khả năng của bạn không được phát huy
bạn không thể sáng tạo gì ở đó
bạn ăn gian thời gian, nghĩa là ăn cắp tiền của của nhân dân
bạn thành kẻ dối trá lúc nào không biết
Đừng than phiền – hãy phê phán cơ chế
đừng vô tâm hay thờ ơ với chính trị, hãy hiểu biết và phản biện
thế thôi, là bạn đã sống cùng thời đại mình rồi.
*
BA ‘ĐỪNG’, GIẢ/ĐÙA HAY THIỆT?
Stt hôm qua: “Ba đừng [+ đừng nghe ông Sara xúi dại]”, có thể tóm như sau: Đừng vào đại học; nếu lỡ vào, đừng cố học giỏi; còn ra trường, đừng làm cơ quan nhà nước, thu hút bạn FB đáo để. Có bạn kêu tôi câu view, còn bạn Thái Du Trương thì bình:
“Anh nói thật hay nói đùa vậy? Nếu nói thật thì anh đang làm hại người Cham đấy.
Tui có “làm hại người Cham” đâu, nếu có là hại chính mấy đứa con tui đấy chứ! Nói rõ hơn xíu thế này.
– Đây là cửa hàng “Giải trí cao cấp” tôi mở từ hơn năm qua, tùy thời vụ mà bán hàng, ai ghé mua bao nhiêu tùy lòng, chứ không ra giá. Kêu là GIẢ/ ĐÙA ở đây cũng trúng.
– Còn món này là THIỆT. Tôi “ba đừng” ngay cả với chính các con trai tôi.
Chúng có VÀO Đại học, nhưng tôi khuyên chúng nên học DỐT, và khi RA trường [1/2 trong số đó không ra], chả có mống nào chịu làm nhà nước cả!
Tôi có khuyên nhưng rất nhẹ, có lẽ do mang gien tôi, nên chúng cá biệt hơi giống bố.
– Tôi còn dạy chúng xưng hô rất cá biệt nữa là: Kêu bố bằng CEI (chú), và nhất là xưng tên với tất cả. Tập chúng tánh DÂN CHỦ & ĐỘC LẬP ngay từ bé.
Dĩ nhiên, kẻ nhân loại cá biệt thì hiếm (hiếm mới gọi là “cá biệt”), thế nên sinh linh nào cảm thấy mình không thể gánh nổi “ba đừng”, thì đã có sẵn cái câu thòng, như cửa hậu thoát thân: “Đừng nghe ông Sara xúi dại”!
Inrasara: “Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới, đồng thời đi vào làng vùng sâu miền xa điều tra nạn mất cắp gà, để giúp chính quyền địa phương ổn định xã hội”