[Stt được gợi hứng khi vừa được gặp 1 sinh linh Cham thành công]
Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu, dằn vặt. Đau khổ chưa bao giờ vắng mặt. Đậm nhạt có khác nhau, nhưng vẫn cứ là KHỔ.
Sự thể gợi cho tôi cái câu hỏi “cũ như giấc mộng, và mới như cái hiện tiền” (Trúc Thiên):
Thế nào là người thành công? Tạm cho các lĩnh vực khác vào ngoặc, ở đây ta bàn về sự GIÀU CÓ. Một sinh linh thành công khi hắn có tài sản vật chất lớn hơn nhiều so với kẻ cùng thời bên cạnh. Thử xét mấy khía cạnh:
- Giàu có (thành công) từ đâu? Hiện tại, ở Việt Nam là từ 3 nguồn:
– Từ tham ô, như quan tham lợi dụng địa vị bòn rút của dân các loại, hay kẻ làm ăn cấu kết với quan lớn làm giàu bất chính;
– Kẻ có tiền của do biết lợi dụng khe hở pháp luật, hoặc may mắn rơi vào hũ gạo dự án của cơ chế, “tổ chức”;
– Người giàu có từ bàn tay và khối óc chính mình.
Ừ, thì cứ gọi cả 3 loài trên là người THÀNH CÔNG. Thế nhưng…
Giàu có, bạn chỉ mới ĐƯỢC một nửa, thậm chí 1/3, nếu:
– Bạn phải làm thứ công việc nhàm chán, không chút sáng tạo, không cần phải vận dụng đến trí tuệ, không có cái mới hay sự phát triển ở đó;
– Cộng đồng không công nhận thành công ấy, vì nó từ trời rơi xuống, hay cái gì tương tự;
– Bạn không chia sẻ giàu có đó với sinh phận quanh bạn;
– Cuối rốt, giàu có ấy tiêu biến ngay khi bạn đi theo ông bà.
Thành công phải đi đôi với hạnh phúc. Câu hỏi tiếp theo, là:
- Thành công, bạn có HẠNH PHÚC không? Xét 4 khía cạnh:
– Công việc ấy có mang tính SÁNG TẠO không? Sáng tạo, vừa làm cho bạn vui, vừa đóng góp cái mới cho cộng đồng.
– Thành công ấy được sự CÔNG NHẬN của cộng đồng không? Công nhận này cần xét về cái TẦM. Ví dụ tác phẩm nhà văn được nhiều độc giả thích, hay nhỏ nhất: Stt được nhiều bạn FB like, cần hỏi: Trình độ thưởng thức của đại bộ phận độc giả ấy, hay trí tuệ của các bạn FB kia ở tầm nào, để định GIÁ TRỊ của thành công.
Nếu Stt bá vơ của bạn thu được ngàn like của bọn ngốc mà bạn khoái, thì… vứt!
– Sau khi thành công, bạn GIÚP ĐỜI được gì? Nếu bạn giàu có cho riêng bạn, hay gia đình bạn, rồi giữ rịt của cải, thì thành công ấy giảm ý nghĩa đi rất nhiều.
– Cuối cùng, qua giàu có, bạn đã để lại DI SẢN gì cho đời sau?
Trâu chết để da, người ta chết để tiếng.
Bill Gates ngoài sự nghiệp chính còn có chương trình nhân đạo của ông, hay Hãng xe Toyota qua Toyota Foundation tài trợ cho các công trình văn hóa, vân vân.
- Dẫu sao thành công cũng mang tính chủ quan chán!
- Tolstoi, F. Kafka là nhà văn vĩ đại, nghĩa là thành công lớn trong sự nghiệp, trong khi họ cả đời bị dằn vặt. Ông trước dù giàu có, cuối đời đã bỏ nhà đi bất định để chết cô độc ở căn nhà tại ga xe lửa; còn ông sau yêu cầu bạn thân đốt hết bản thảo tiểu thuyết của mình.
Van Gogh là họa sĩ thiên tài, thế mà đời ông là chuỗi đau khổ. Khối họa phẩm độc sáng kia chỉ được thế giới công nhận sau khi ông mất.
Thử “nghiên cứu” mình. Cá nhân tôi được xem là thành công. Tôi chưa làm cái gì mà không “được”, từ vụ nhỏ như câu cá, đến kinh doanh sang chuyện chữ nghĩa. Thành công so với người bên cạnh, dĩ nhiên. Dẫu sao thành công kia chưa bao giờ làm tôi “thực sự hạnh phúc” đúng nghĩa, bởi tôi mơ một đằng thành một nẻo.
Ngay công việc của 1/3 phần đời còn lại: “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal” – con đường trước mắt đang là mù mịt.
Và gì nữa…