Hy vọng vào những con người dám trả giá đời mình cho con đường mù mờ của sáng tạo

Thu Huyền thực hiện

Năm 2008 là năm Hội nhà văn tổ chức rất nhiều hội nghị về công tác lý luận nhằm mục đích đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong sáng tác nhưng lại có vẻ hơi ít những tác phẩm được đánh giá cao. Không có tác phẩm nào gây ồn ào, cũng không thực sự có nhiều cuốn sách hay. Dưới con mắt của anh, anh có bi quan trước tình hình sáng tác hiện nay không?
Inrasara: Trước hết ta cần xác định rõ thế đứng khi đánh giá văn học Việt Nam. Rằng có phải kể bộ phận văn học mà lâu nay ta gọi tên văn học ngoại biên hay văn học phi chính thống gồm vào không? Nếu hết còn tâm phân biệt đối xử thì năm 2008, văn chương tiếng Việt vẫn có tác phẩm hay. Hay không đồng nghĩa với gây xôn xáo hay được bàn cãi ồn ào. Chẳng có gì đáng bi quan cả! Còn các hội nghị khoa học về văn học ư? Hội thảo về gì chứ? Về nỗi chung chung mà có cũng được, không cũng chẳng sao. Tại sao văn chương mạng nở rộ sôi động thế kia, phong trào hậu hiện đại phát triển phong nhiêu là thế, ta không làm hội thảo? Thì làm gì các hội thảo kia tác động mảy may đến sáng tác văn học! Bàn tròn văn chương đã làm, thậm chí vài cơ quan nghiên cứu đã làm rồi, nhưng Hội Nhà văn Việt Nam thì chưa! Chúng ta không chú ý đến cái đang xảy ra thì còn quan tâm đến cái gì chớ?

Trong những năm gần đây, đã có nhiều ý kiến nói rằng khi các cây viết trong nước đang im hơi lặng tiếng thì một số tác giả ở hải ngoại đã gây bất ngờ với bạn đọc trong nước. Anh nhìn về hiện tượng này, liệu đây có phải là tín hiệu vui?
Inrasara: Đó là sự thật, chứ không là tín hiệu. Sự thật này xảy ra từ lâu lắm. Bởi chúng ta không theo dõi hay đối xử phân biệt với văn học hải ngoại nên mới có tâm lí bất ngờ như thế. Văn học Việt Nam hải ngoại đã từng thổi nhiều luồng khí mới vào nền văn học trong nước, ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến cây viết thế hệ mới. Ngoài tác phẩm được in trong nước, các nhà văn Việt ở hải ngoại vẫn có những tác phẩm sáng giá.

Xu hướng hồi tưởng trong một số tác phẩm đang được bạn đọc chú ý. Có nhà văn đã chia thể loại hồi ký ra làm ba loại: 1: hồi ký của những người quan trọng viết về những vấn đề quan trọng, 2: Hồi ký của những người không quan trọng viết về những vấn đề quan trọng và 3: Hồi ký của những người quan trọng viết về những vấn đề không quan trong. Điểm mấu chốt ở đây chính là chúng ta không nhìn vào những vấn đề học thuật, những vấn đề lý luận mà thường tò mò nhìn vào những vấn đề nhạy cảm, anh suy nghĩ như thế nào?
Inrasara: Tôi không tin lắm vào các loại hồi kí. Nó chỉ là kí ức mang tính cá nhân. Tôi cũng đang viết “hồi kí”, nhưng tôi không gọi nó là hồi kí mà là “tiểu thuyết tự ch[tr]uyện”. Hồi kí có thể chỉ để thanh toán duyên nợ cá nhân, để tự biện minh, hoặc ra vẻ khách quan thế nào đi nữa, nó vẫn cứ là hư cấu.
Mallarmé: “Tất cả những gì ta viết ra đều là tiểu thuyết”. Cả những “sự thật” liên quan đến cá nhân tôi, biến cố tôi trải qua, kinh nghiệm sống và các quan hệ của tôi. Tôi gọi nó là tiểu thuyết, một tác phẩm văn chương, khi chúng được thể hiện sinh động qua ngôn ngữ. Tôi tin tưởng vào văn chương. Bởi nói như Cao hành Kiện: Văn chương thật hơn lịch sử, là thứ được viết ra dưới ảnh hưởng của quyền lực chính trị.
Tiểu thuyết là hư cấu đã đành, ngay lịch sử hay tự truyện hay hồi kí (lịch sử cá nhân) cũng chỉ là hư cấu, một hư cấu trá hình. Nó lệ thuộc vào trí nhớ của ta, nhìn nhận thiếu khuyết của ta, uốn nắn theo quyền lợi của ta, nhân sinh quan của ta qua thế giới chữ nghĩa đầy hạn chế của ta. Nó là thứ diễn ngôn (discourse) không hơn kém phân tấc.

Hình như tín hiệu vui nhất của văn học năm 2008 lại thuộc về những dịch giả, mà trong số đó không ít những dịch giả với tuổi đời rất trẻ. Những cái tên như Nguyễn Đình Thành, Cao Việt Dũng, Lương Việt Dzũng…. Anh nghĩ gì khi có ý kiến rằng họ chỉ là dịch giả tự do và điều mà chúng ta mong đợi lúc này chính là một đội ngũ chuyên nghiệp? Trong khi chúng ta vẫn nói công việc sáng tác là cô đơn và độc lập?
Inrasara: Tín hiệu vui, đúng. Nhưng thế nào là “đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp”? Tại sao lại mong mỏi nó? Dịch giả tự do làm việc một cách chuyên nghiệp không hay hơn ư? Miễn sao họ tự vạch ra được chương trình hoạt động dài hạn và biết cộng tác hiệu quả với đồng nghiệp ở trong lẫn ngoài nước.
Tín hiệu vui của năm qua, theo tôi không chỉ thuộc về những dịch giả mà đúng hơn – thuộc về các nhà văn sáng tác ngoại biên. Nhất là nhà thơ. Với ưu thế thể loại, thơ ca tiếng Việt đã dũng mãnh cắt đứt lề thói cũ và lên đường khai phá lối thể hiện mới. Nó không ngán ngại động cập đến đề tài lâu nay bị coi là nhạy cảm, húy kị. Thơ giành lại tự do cho chính mình. Để nói lên tiếng nói thật sự của mình.

Chúng ta đã nói khá nhiều về văn học năm 2008, còn cá nhân anh, đi giữa thơ ca và kinh doanh, anh giành thời gian và sức lực chính cho cái nào? Và khi nào anh sẽ cho ra mắt tập thơ mới?
Inrasara: Kinh doanh chỉ là chuyện phụ, tôi giải quyết nó rất nhanh. Có thể tự nhận tôi là nhà văn chuyên nghiệp. Về thời gian và cách làm việc. Làm thơ, viết tiểu thuyết, tiểu luận phê bình văn chương; về Chăm, tôi sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu và xã luận, tuyển tập và biên tập, tất tần tật. Tôi vừa có tập thơ thứ sáu: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]. Gần một nửa tập đã đăng trên các trang Website. Tôi cũng vừa hoàn thành “tiểu thuyết tự ch[tr]uyện” 130 ngàn chữ. Hi vọng chúng sẽ ra mắt vào quý đầu năm tới. Ngoài ra còn làm tập phê bình: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại nữa! Mỗi năm bình quân tôi cho ra mắt 3-4 tác phẩm. Nếu điều kiện cho phép, năm 2009-2010, sẽ có 10 tác phẩm hạ sinh.

Anh chờ đợi và hy vọng gì ở năm 2009. Liệu đó có phải là một năm các cây bút trẻ sẽ trưởng thành nhanh, hay những giải xếp hạng vẫn thuộc về các nhà văn cây đa cây đề, hay sự xuất hiện của xu hướng mới?
Inrasara: Tôi không tin vào cây đa cây đề. Họ đã làm xong phân sự lịch sử. Bởi nếu “có gì còn lại” họ cũng đã thể hiện hết rồi. Tôi cũng không còn tin vào vài nhà thơ đầy tài năng nhưng ngộ nhận, ngộ nhận sự ẻo lả, tô son trát phấn ngôn từ là cách tân thơ; ngộ nhận đùn cơ man từ tục tĩu chửi bới vô nguyên tắc là hậu hiện đại. Tôi càng không tin các nhà văn tự hài lòng với ghế ngồi mọi dạng, nhà văn hưu non hay cây bút hãnh tiến ngu muội. Mà là kẻ sáng tạo thật sự. Những con người dám trả giá cuộc đời mình cho con đường mù mờ của sáng tạo.

Sài Gòn, 12-12-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *