VĂN HÓA ĐÍNH CHÍNH

Việc bài bình “Đây thôn Vĩ Dạ” của LN được tuyển vào sách giáo khoa văn mà tác giả không hề hay – như anh cho biết, sau đó xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Tôi nghĩ, nếu biết trước, nhà phê bình hẳn sẽ chỉnh sửa câu văn cho trong sáng mô phạm hơn, chứ không phóng bút như ngoài trần gian muôn màu.

Biết, cần đính chính sớm, nhất là khi đó là tài liệu dành cho học sinh tham khảo. Để tránh tai nạn không lường được. Như chuyện của tôi…

 

Ngữ văn Địa phương lớp 7 bài 18, tiết 74 (tỉnh Bình Thuận): Văn và Tập làm văn, bài học: “Vài nét về tình hình sưu tầm tục ngữ, ca dao – dân ca địa phương” (sách tái bản lần 6) NXB Giáo dục, 9-2014, tr. 37, nguyên văn:

“Riêng về tục ngữ, ca dao, thành ngữ, câu đố và một số lời những bài hát dân gian của dân tộc Chăm đã được Irasara (sic) sưu tầm, tập hợp công bố (Văn học Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 1994 và Văn học Dân gian: Tục ngữ – thành ngữ – câu đố Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 1995) nhưng nhìn chung có nhiều câu còn lẫn lộn chưa phân biệt được giữa tục ngữ, ca dao Chăm và tục ngữ, ca dao Kinh”.

 

Tài liệu được mang ra dạy cho học sinh từ mươi năm trước, mãi nhà thơ Đồng Chuông Tử méc, tôi mới hay. Và thư ngay cho Cơ quan hữu trách mắng vốn. Chuyện đã xong, xin phép lược qua vài nét để rút kinh nghiêm.

Đoạn văn trên có 3 điểm sai:

1. Tác phẩm của tôi VHDGC in 1995, tái bản 2006. Người soạn sách không tham khảo sách tái bản, mà lại đi dùng bản in đầu. Đây là thao tác viết sách giáo khoa hơi bất cẩn.

2. Viết sai tên tác giả. Sách tái bản lần thứ 6 mà lỗi nhí [mà không nhỏ ấy] không được sửa thì hơi lạ.

3. Sai lớn nhất thuộc về nội dung. Cho rằng tôi sưu tầm “nhiều câu còn lẫn lộn chưa phân biệt được giữa tục ngữ, ca dao Chăm và tục ngữ, ca dao Kinh.”

– 41 bài CA DAO trong VHDGC tuyệt đối không có bất cứ bài ca dao Kinh nào.

– Phần TỤC NGỮ, có các trùng hợp, do:

Thứ nhất, một ít câu có nguồn từ Ngữ văn Chăm cấp I của BBS dịch tục ngữ Việt, tôi ghi rõ ngay dưới mỗi câu. Ví dụ: “Hu prưn thah pasei, hu harei jiơng jarum” – “Có công mài sắt có ngày nên kim” – BBS).

Thứ hai, do thao tác sưu tầm có chủ ý: “tôi chọn tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt làm chỗ dựa tư liệu gợi ý để khai thác tục ngữ, thành ngữ Chăm”, chứ không phải “lẫn lộn chưa phân biệt được” như các tác giả cho là thế.

Vả lại trùng hợp như vậy là rất ít, chứ không “có nhiều” như tác giả sách nhận định. “Rất ít” này tôi cũng nêu rõ nguyên do như: “Nồi nào vung nấy”, “Ia hu haluw, kayuw hu agha” – “Cây có cội, nước có nguồn”… không ai dám chắc dân tộc nào đã nói trước.

 

Thư gửi sáng ngày 5-11-2014, ngay chiều tôi nhận Thư Phúc đáp từ NXB Giáo dục: Cảm ơn, tiếp nhận, và sẽ chỉnh sửa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *