Chữ & Nghĩa 17. NGỒI VÀO KÍ ỨC

… Trong điệu vũ khơi vơi

Apsara phô phang đường cong diễm ảo

những đường cong chạm vào vĩnh cửu

vĩnh cửu xoay trong lốc vô thường

 

Đến Đồ Bàn cũng chịu tang thương

người lưu lạc xô văn chương lưu lạc

Chế Bồng Nga một thời ngang dọc

đành chìm trong vực xoáy không hư

 

Kinh đô Nha trang

xứ sở diệu kì

đẹp nét đẹp mong manh thần thánh

chiếc nôi ru bé-thơ-vương-quốc-Champa khôn lớn

là chiếc nôi đưa người ngủ giấc yên

 

Trở lại Phan Rang

người xuôi Nam quến tháp xuôi Nam

thưa-nhỏ-yếu-ớt dần, tội nghiệp!

vương quốc ngàn năm đổ vào một cuộc

một cuộc đau!…

(Tháp nắng, 1996)

 

Câu chuyện.

Thuman nói con người hay có khuynh hướng gắn mình với cái xa lạ ngoại nhập: một tri kiến, một thần tượng hay thói tật. Họ không là gì cả, lúc đó, trong tập thể đó. Cậu tú sinh nhầm thế kỉ Bá Văn Ngan muốn ngồi vào kí ức người khác, khi hiu hiu tự đắc rằng hắn chỉ thích làm ruộng và khoái triết học Đức, còn lại hoàn toàn không kí lô gờ gam nào với hắn.

Jaklan cũng muốn ngồi vào kí ức người khác, khi hắn học Ginang, dạy cha cố chữ Cham hay lăng xăng chạy tới lui với đoàn. Nhưng hắn còn hơn thế, biết nhìn xa hơn: muốn ngồi thật lâu dài [cả sau khi nhập Kut] trong kí ức những kẻ không quen biết nữa. Nghiên cứu sợi dây là để phục vụ mục tiêu dài hạn kia.

Thuman gọi đó là sợ hãi siêu hình: sợ không để lại dấu vết nào cả khi bị quét văng khỏi mặt đất.

Nhưng hắn chả có lấy một gờram mỡ trông rộng.

Thuman phán tiếp: Như các vua Champa mà tên tuổi khắc trên bia tháp chỉ còn là những les ruines kia đã không trông rộng. Dấu vết nào bất kì luôn gắn với nền tảng rộng lớn hơn, chắc chắn hơn để mà tồn tại thời hạn khả thể trong cái vũ trụ mênh mông bất khả tư nghì kia. Đằng này các Indra, Jaya, Simhavarman, vân vân Varman, từ thứ nhất đến vô cực (ví mà lịch sử cúi xuống chiếu cố) chỉ chăm lo cho vụ khắc tên mình lên bia đá đem gắn chặt vào cái tháp (dẫu khá chắc chắn) được xây từ bòn rút của cải dân mà chả tẻo teo quan tâm đến cần thiết làm sao cho dân được no ấm trước tiên, đất nước được tồn tại sau đó, như là nền tảng của nền tảng là tháp kia tồn tại cho dấu vết là tên tuổi nhỏ bé khốn khổ của mình được ăn theo mà đọng lại.

Còn Jaklan?

Hắn làm khoa học, ba chân tám cẳng chạy vạy ngược xuôi cho dấu vết mình được các chuyên gia tận thế giới nào xa xôi xoa đầu có nhiều cố gắng cứ như thế như thế thì rất tốt em ơi mà không hiểu rằng nếu phó mặc quần chúng gần gụi mãi bị mù và tái mù thì có khác gì thả cho đầu của sợi dây kia bị sút hay đứt đuôi con thằn lằn, hỏi còn gì cho cái tên tuổi Jaklan-dân Chakleng-sinh Đinh Dậu bám lấy mà kí sinh, dẫu ở bề đồng đại hay lịch đại?

(Chân dung Cát, 2006)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *