Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
con là Cham ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Cham cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Tôi là một văn bản. Chị là một văn bản. Anh là một văn bản.
Và em và bác và chú kia và cô nọ… tất cả.
Mỗi văn bản là một mặt nạ. Cho rằng tinh thần con người như tờ giấy trắng miễn trừ khỏi mọi điều kiện hóa hay bao xác tín có sẵn, là lối nghĩ ngô nghê nhất.
Vừa ló mặt vào đời là tôi đã mang mặt nạ. Mỗi ngày mặt nạ càng dày thêm, chồng chất lên, tô đậm hơn. Mặt nạ này nhìn mặt nạ kia. Bạn bè, cha mẹ, bà con lối xóm nhìn mặt nạ tôi qua mặt nạ họ. Đồng ý hay chống đối, hùa theo hay khích bác, ca tụng hoặc bôi nhọ. Mặt nạ cá nhân là một truyền thống nhỏ trong một truyền thống lớn hơn là văn hóa dân tộc, ý thức hệ chính trị, học thuyết tôn giáo…
Cái ta gọi là cá nhân chỉ là một bản thể ảo, điều ta kêu là thực tại chỉ là thứ thực tại ảo. Là những Maya. Maya tiếng Sanscrit là “ảo ảnh”, “sức mạnh thần diệu”. Theo Çankara, đó là ảo ảnh về tính đa dạng. Maya làm nên tiến bộ, khoa học, tạo dựng văn minh, điều động thế giới. Maya là thực và ảo, ảo mà thực.
Làm sao tôi có thể hành động mà không bị thao túng bởi mặt nạ?
Vì mặt nạ mang ở tự thân sự bạo động. Truyền thống [hay mặt nạ lớn] không là gì hơn tập hợp những định kiến ngày càng đậm đặc hơn theo thời gian của đa số áp đảo của cộng đồng văn hóa. Không thể hô hào cộng đồng nhất tề giải tán tất cả truyền thống [hệ thống những định kiến]. Họ chỉ có thể thay đổi, chuyển di từ truyền thống này sang truyền thống khác. Từ từ và tiệm tiến, qua cuộc cách mạng xã hội, bởi cá nhân hay nhóm người. Và không ngừng bạo động. Trước, trong và sau cuộc xác lập truyền thống. Ở mọi hình thức, cấp độ. Bởi truyền thống luôn ý hướng bảo thủ, [khi yếu thì] co cụm tự vệ hay [lúc mạnh thì] khuếch trương thanh thế. Truyền thống này va chạm truyền thống kia, xung đột nổ ra. Đối thoại giữa các truyền thống là vấn đề cấp thiết trong thế giới toàn cầu hóa.
Cá nhân tôi, làm sao thoát khỏi mặt nạ [hay văn bản] trong một mặt nạ lớn? Đây là câu hỏi mang tính quyết định. Đòi hỏi xóa hết dấu vết lịch sử bị/ được viết lên trang đời mình là điều bất khả. Câu hỏi buộc tôi vận dụng toàn bộ thông minh tinh thần vào cuộc. Không phải sự lanh lẹ khôn ngoan của lí trí mà là, toàn bộ con người tôi. Tôi định tâm để dõi theo các biến trình vô cùng phức tạp của mặt nạ tác động lên tâm thức tôi, tinh thần tôi, quy định hành động tôi. Tôi không chống đối hay đè nén nó, cũng không cố tâm bảo vệ hoặc hùa theo nó.
Tôi dõi theo, vậy thôi. Từng mảng mặt nạ tự lật mở và tróc ra, rớt xuống và bay đi. Tôi không còn vướng bận vào bất kì thứ gì nữa. Thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông… Tôi hết còn chống mặt nạ, mà nhìn mặt nạ như là mặt nạ. Tôi và nó hết còn mâu thuẫn gay cấn, thông lưu vô ngại.
(Sống minh triết, 2016)