Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Cũng chẳng có gì trầm trọng
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài tân hình thức, 2006)
Câu chuyện – CÙNG MỘT LỨA BÊN TRỜI LẬN ĐẬN
Đầu tháng 8-2006. Hai bạn thơ trẻ Sài Gòn hẹn gặp tôi, quyết “bàn với ông cho ra nhẽ” về thơ đương đại. Tôi ừ. 9 giờ, ở Cà phê 64 Trần Quốc Thảo.
– Các bạn cứ thoải mái đi, tròng mười lăm phút, – tôi mở đề.
– Ông để bọn Mở Miệng kiếm việc làm cho cha mẹ tụi nó đỡ tủi hổ với bớt gánh nặng về con cái chứ…
– Mình chưa hiểu ý các bạn…
– Ông tụng quá khiến mấy đứa tưởng nó có tài thiệt, phiền lắm…
– Họ làm thơ kiểu mình, và loài thơ kia cần được đối xử công bằng…
– Mấy thứ vớ vẩn tục tĩu ấy là thơ thì ai mà chả làm thơ được…
– Làm như các bạn đã hiểu thơ là gì rồi…
– Gì thì gì, đó không thể là thơ được…
– Thì là ý kiến của bạn, họ có mĩ học sáng tạo khác. Người làm thơ cần tôn trọng quan điểm khác mình, cần tôn trọng nhau…
– Ông nói cho to đấy chớ, mĩ học sáng tạo gì mấy thứ rác rưởi đó…
– Các bạn chưa tìm hiểu họ, nên…
– Ông làm như tụi này kém cỏi lắm. Ở Đại học khả năng tụi nó tới đâu, tui biểt tỏng…
– Ở đây tri thức không là vấn đề, mà tâm thức…
– Nhưng tầm như ông không thể đi ca ngợi mấy loại thơ như vậy…
– Mình có ca tụng đâu mô! Mình chỉ ghi lại các hiện tượng văn chương hiện thời, mà mình tạm kêu là phê bình “lập biên bản”. Nó xảy ra, và mình ghi nhận, tìm cách lí giải nguyên nhân đẻ ra hiện tượng đó. Cả cố gắng chỉ ra cái hay lẫn mấy bất cập của nó nữa!
Tôi nín lặng hồi lâu.
– Các bạn biết hoàn cảnh của họ rồi. Họ đang cư lưu ngoài lề, chớ phải có mặt đầy trang trọng trên các tờ báo lớn đâu, mà làm điều. Họ bị phân biệt đối xử, thế mà các bạn, cùng một lứa bên trời lận đận cả, cũng toan tính đối xử phân biệt, là sao?
Viết về họ, mà đâu riêng gì họ, mình chỉ đòi hỏi sự công bằng…