Chữ & Nghĩa-04

Khép một cõi đất, mở một chân trời

thơ chập chững ngày mới

bập bẹ lời tinh khôi

(Hành hương em, 1999)

 

*

Ngôi Nhà trên mảnh Đất, không phải mảnh đất của mình, mà là thuộc về một phần mình, gắn chặt với thân xác và tâm linh mình.

Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Cham thì khác, ông bà nói: “[Nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thōk padōk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.

Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng nên trên Đất đó.

Champa không bao giờ lấn chiếm đất nước khác, không hề mang ý định ở lại, không di dân đến xây nhà cửa làm đất nước của mình. Không phía Bắc, không cả phương Nam – là mảnh đất lành, khi ấy còn khá trống, chiếm lấy dễ dàng như thể bốc hòn sỏi trong túi. Vậy mà Champa chưa bao giờ có ý định đến chiếm hữu. Ở đâu là đất Champa, ở đó họ xây tháp. Còn lại – không.

(Minh triết Cham, 2015)

 

Câu chuyện – CÂU CHUYỆN CỦA ĐẤT

 

Nguyễn Đức Tùng kể, trong một cuộc họp với thổ dân da đỏ Canada, đại diện chính quyền tuyên bố vùng đất ở đó thuộc quyền sở hữu nhà nước. Vị trưởng lão hỏi: “Nếu đất đai là của quý ngài, thì quý ngài có câu chuyện nào kể lại cho chúng tôi nghe không?” – Không có! “Thế là vị này liền đọc một câu chuyện bằng thơ liên quan đến những sinh hoạt của người da đỏ hàng trăm năm trước, bằng tiếng địa phương, để chứng minh rằng vùng đất đó là của họ. Dù bằng chữ viết hay truyền miệng, những câu chuyện bao giờ cũng sống lâu hơn cả trong lòng chúng ta, lưu giữ ở đó ánh sáng của mặt trời đã tắt”.

 

Câu chuyện Thác Bản Giốc hôm nay là bi kịch của nhận thức.

Dân tộc không có nhà thơ kể câu chuyện của quê hương mình để làm cuống rốn bám đất, chính quyền nhảy vào làm thay công việc của họ. Dân dời đi [đất lành thì ở, đất lở thì đi], phó mặc sự tồn tại mong manh của mảnh đất kia dưới lá chắn của súng đạn. Tuụ đến bao giờ?

 

Cham thì khác.

Quá khứ xa của dân tộc và quá khứ gần của đời sống Cham cũng là một thực thể đã và đang được nhà thơ kể lại, qua truyền thuyết lịch sử, huyền sử hay bởi vài nhà sử học đầy khách quan. Phong phú, nhiều chiều, với nhiều khác biệt có khi trái ngược nhau. Chuyện về Pô Klong Girai hay Nai Tangya, Cham kể bằng nhiều cách khác nhau với nhiều tình tiết khác nhau từ những Ông Mưdôn khác nhau tại các khu vực khác nhau bởi những gru thầy khác nhau. Thêm hay bớt vài chi tiết, hiện thực hơn hoặc huyền bí hơn. Mấy trăm năm qua, Cham không thấy có vấn đề gì cả. Họ chấp nhận mọi sự khác biệt trên một nền tảng tinh thần chung.

Lịch sử history là câu chuyện quá khứ được kể lại, bởi một hay một số kẻ đại diện cho cộng đồng nào đó. Dù là quá khứ của một dân tộc, một cộng đồng hay một cá nhân chỉ là hi[s-]story, như cách chơi chữ của một tác giả phương Tây, nhưng chính câu chuyện đã giữ con người ở lại với đất.

 

Chúng ta ham làm chuyện to tát, mà bỏ lãng công việc nhỏ: kể câu chuyện xuyên thế hệ. Qua tập sách mỏng: Thả Diều Xứ Nắng, tôi đã thử tiếp lửa [hay tái hiện hơi thở] chuyện kể cho thế hệ trẻ Cham hôm nay.

Và gì nữa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *