Con lừa đi tìm gánh nặng
nhà văn đi tìm tiếng tăm
thầy tu đi tìm Thượng đế
riêng con đến gặp cuộc đời
(Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
Câu chuyện – SỰ CẦN THIẾT CỦA TRIẾT HỌC
Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Chakleng, thấy tôi đang ôm cuốn L’Être et le Temps của Heidegger, chợt nhăn nhó:
– Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à? Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng chịu đựng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi:
– Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không?
– Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.
– Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?
– Thì đúng rồi!
– Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lenin, và học thuyết Lenin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Marx? Mà Marx hẳn nhiên là triết gia rồi…
Ông thầy nín thinh, tôi tiếp: Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Nhưng gió giết chết con người, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Pascal, – thầy quá biết mà.
Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống của em và mọi người xung quanh em, em là con người, em cần hiểu nó. Hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.
(“Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Chăm hiện nay”, 2011)