Suy nghĩ cuối tuần.5- LƯỢM NHẶT VÀI PHÁT NGÔN CỘM CỦA TÔI

Suy nghĩ cuối tuần.5- LƯỢM NHẶT VÀI PHÁT NGÔN CỘM CỦA TÔI

 

“Cộm”, bởi chúng gây xôn xao dư luận chút chút. Mỗi phát ngôn đều có các lí giải đính kèm chứng cứ. Tạm trích ý chính.

 

  1. Thứ thơ rác [rưởi] đặc hiệu này mang trong mình làn gió thối thổi vào không khí thơ Việt. Nó buộc nhà thơ hôm nay quay lại nhìn nó. Và nhìn lại cả mình nữa! Lâu nay, mình có quá thơm, quá diêm dúa lắm không! (Tienve.org, 2004)

 

  1. Tuyệt đại đa số nhà văn Việt Nam vẫn “chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” (tạp chí Văn, tháng 11-2004)

 

  1. “Độc giả hôm nay cũng cần phải được đào tạo” (tạp chí Thơ, số 1, 2006)

 

  1. Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Việt đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững tinh thần Hiến pháp, cả chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm làm mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng (Tc Văn hóa Dân tộc số 1, 2006)

 

  1. “Nhà thơ cần học biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ” (tạp chí Tia sáng, 20-5-2006)

 

  1. Đừng có mơ! “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần” (Hội thảo thơ, TPHCM, 7-2006)

 

  1. “Thơ dân tộc thiểu số Việt Nam vừa đi vừa ngủ; mươi năm sau, nó vừa ngủ vừa đi” (Talawas.org, 12-4-2006)

 

  1. “Văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới, đó là điều cần được nhìn nhận và nói lên” (tạp chí Tia sáng, 20-7-2006)

 

  1. “Thơ Việt đang khủng hoảng, một khủng hoảng cần được xem như một tín hiệu tốt lành” (Hội thảo 20 năm Mỹ thuật đổi mới 1986-2006, Hà Nội, 4-2007)

 

  1. “Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả… Còn phê bình, thiếu tư tưởng, nên mãi ăn theo sáng tác” (báo Lao động, 11-8-2007)

 

  1. “Việt Nam không có truyền thống triết học. Chúng ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Triết học ta đang dạy trong nhà trường là thứ triết học Theo-ism” (Vietnamnet, 10-10-2008)

 

  1. “Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi điền dã lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà tại quê nhà để giúp chính quyền địa phương dọn dẹp tệ nạn xã hội” (Tienve.org, 3-2009).

 

  1. Ninh Thuận có gần 600.000 người Kinh nhưng chỉ có 4 người kí; trong khi đó Cham 74.000 mà số người kí tên phản đối Dự án Nhà máy ĐHN lên đến con số 68. Không phải Cham dũng cảm hơn, mà là do họ có nhiều cái để sợ hơn: cuộc sống, sinh mạng và nhất là – tâm linh (Inrasara.com, 4-6-2012).

 

  1. Chuyện Nam tiến là thật. Chuyện Champa mất về tay Đại Việt, cũng là thật… Chính quyền Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó. Không phải để khơi dậy tinh thần dân tộc hay tạo sự hiềm khích, mà là để hiểu biết lẫn nhau. Chỉ khi làm được điều đó thôi, chúng ta mới có thể nói đến việc hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc (RFA, 3-5-2013).

 

  1. Việt Nam: giàu, đẹp và… tanh bành! (RFA, 2016)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *