[Giải thoát sợ hãi 6, trích bản thảo: Từ Sa Mạc Chữ Đến Đô Thị Văn Chương]
Sau “sợ đứng trước công chúng”, nhà văn Việt Nam sợ gì?
- Trước hết và trên hết, là sợ cô độc. Các cây bút Việt Nam sợ không được ở trong đoàn thể nào đó, như Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn. Hắn cần đút túi tấm thẻ Hội Nhà văn, để được cộng đồng hay ít nhất – tập thể kia gọi là “nhà thơ”, “nhà văn”. Không là gì cả, không ai biết đến sự tồn tại của mình, hắn cần đồng hóa với một tập thể lớn hơn – để có mặt.
Trong không gian ấm áp đó, nhà văn Việt Nam… sáng tạo!
- Tiếp, hắn sợ cô đơn. Cô đơn trước trang giấy/ màn hình trắng.
Viết, mắt lấm la lấm lét, đoán xem sinh viên nghĩ gì khi đọc đến lối biểu hiện lạ lẫm này, bà con họ hàng phản ứng thế nào trước câu thơ có vẻ táo bạo kia, đoạn văn nhạy cảm nọ có bị dao kéo kiểm duyệt rờ đến không?
Để vừa ý họ, hắn tự thiết lập chế độ tự kiểm duyệt ngay trong tâm thức.
- Tự kiểm duyệt không dừng lại ở đó. Viết, sợ cộng đồng độc giả tẩy chay, hắn cố uốn mình vừa vặn với tầm mong đợi của số đông, một số đông quen thuộc của thứ mĩ học đã được lưu kho hay đang lưu hành.
Hắn sợ cái mới. Gồng mình cách tân lắm, hắn chỉ có thể làm ra cái mới nhỏ lẻ, cái mới vừa phải, hay cái mơi mới.
- Cuối cùng, có gọt chân cẳng tới đâu, hắn chưa thôi bị nỗi sợ ám. Sợ dư luận hờ hững, sợ nhà phê bình chê, sợ bị hiểu sai, vân vân sợ. Dòng chữ cuối cùng đã kết, cuốn sách đã ra khỏi nhà in, hắn vẫn chưa thôi nơm nớp.
Từ bao nỗi sợ kia, nhà văn – dù được liệt vào nòi sáng tạo, vẫn đi trên con đường mòn: Lối mòn các bậc văn hào thi bá đã đi, truyền thống đã định, cạnh đó hắn còn sợ khác cả với người viết cùng thời.
Bao nỗi kia vẫn thu về một mối, là nỗi sợ nguyên sơ: sợ cô đơn.
Nhà văn Việt Nam vẫn chưa đủ cô đơn cho sáng tạo.
Comment
[Háo danh! – Siêu đúng.
Nếu hắn vứt bỏ danh hão…
Nếu hắn viết vì sự thật, vì cái đẹp của nghệ thuật, và vì lí tưởng cao cả…
Hắn không phải khép mình đứng vào hội đoàn nào bất kì;
Hắn không cần gọt chân sao cho vừa ý quyền lực các loại;
Hắn không phải chùn bước trước cái mới, sẵn sàng làm mếch lòng xung quanh;
Và nhất là hắn không cần vuốt ve xoa bóp nhà phê bình.
Hắn cô đơn và hắn sáng tạo. Hắn dám sống chết vì nó và cho nó.]