Em tập phản biện-34. BẠN KHÔNG NHÌN THẤY NÓ KHÔNG PHẢI LÀ NÓ KHÔNG TỒN TẠI

Vô số tinh tú trên bầu trời, bạn không thấy chúng, không phải chúng không tồn tại….

1. Nhớ, tháng 8-2009, để phản bác trí thức Cham và cá nhân Inrasara, nhà nghiên cứu NTT viết đại ý: “Trước 75, Thiên Sanh Cảnh đã dịch hầu hết trường ca Cham rồi”.
Thực tế cụ Cảnh chỉ mới dịch 3-4, nếu là “hầu hết” thì kho tàng văn học cổ điển Cham có 5 trường ca là cùng, trong khi trong tay tôi có đến 48 tác phẩm! Đó mởi chỉ là con số khiêm tốn dừng lại ở bước đầu.

2. Hôm qua, link Stt “Mở, để học [1]”, bạn FB Hoàng Kỳ Nguyễn viết nguyên văn:
“Nhìn kỹ lại: cả Champa và Đại Việt là hai quốc gia không có “văn hóa biển”, “không biết đi biển” dù sở hữu một vị trí địa lý rất đặc biệt. Xem lại lịch sử Hy Lạp, họ là bậc thầy của thủy chiến. Thời bình, khả năng hàng hải của họ được tận dụng để làm hải thương. Champa và Đại Việt chỉ biết dùng biển để đi đánh cướp thiên hạ!”
Ẹ thế chứ! Thế kỉ IV, Cham đã viễn dương qua Ấn học đạo bên Sông Hằng; thế kỉ VII, Cham qua Nhật giảng Phật Đại thừa; thế kỉ X cả ngàn sinh linh Cham di cư qua sống ở Hải Nam – Trung Quốc; cùng thời điểm đó, tổ tiên Cham lưu lạc tận Philippines; rồi suốt 14 thế kỉ, Cham giao lưu với Java, Malaysia… và làm chủ biển Đông.
Còn dấu ấn văn hóa biển Cham thì bạt ngàn, thuộc mọi lĩnh vực. [Từ năm 2012, “Hải sử và Văn hóa biển Cham” là đề tài thuyết trình thường xuyên của tôi, cạnh đó là các bài báo, nghiên cứu đăng rải rác].

3. Năm kia, một nhà phê bình viết:
“… dịch giả trên [ám chỉ Hoàng Ngọc-Tuấn] nói: “Tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”, nhưng 12 năm đã qua vẫn chưa thấy lối viết hậu hiện đại “trở nên phổ biến ở Việt Nam”, phải chăng “chẳng bao lâu nữa” cũng chỉ là thời hạn tù mù? Thiển nghĩ, đưa ra một luận điểm “cấp tiến, hữu nghĩa” nhưng quá lâu chưa được kiểm chứng, thì cũng nên kiểm tra lại ý kiến của mình!”
Ta không thấy mà cứ ngỡ thiên hạ cũng “không thấy” như ta.
Ông đọc mỗi báo giấy, lại là báo Nhà nước, thành ra thế. Trong khi 20 năm qua, văn học hậu hiện đại Việt đã tràn lan sách báo ngoại vi, website văn học, blog, cho đến tận facebook rồi.

4. Nữa, nhà thơ chuyển hệ làm phê bình, khi kiểm kê việc “Chuyển đổi hệ thi pháp thơ” Việt 30 năm kể từ mở cửa mà đếm đi đếm lại mấy nhà thơ chính thống quen thuộc, tôi mới hỏi ông:
“Thế ở miền Nam các ông Hoang Hung, Phan Đan, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng đâu rồi? Ừ, thì đó là tên tuổi nhạy cảm. Vậy, Dung Tran Huu, Vũ Trọng Quang hay gần hơn: Lê Vĩnh Tài, Trần Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trung Thành Phan ở đâu? Rồi các tác giả dân tộc thiểu số, nhà thơ nữ, nhà thơ hậu hiện đại, tân hình thức biến đi đâu mất?
Ông chưa đi hết một đêm hoang vu [nhại PCT] hành trình thơ Việt đương đại, hà cớ liều lĩnh tổng kết? Hoặc đọc mà ông chả nhìn thấy họ có tí ti “chuyển đổi”?

Không thấy mà tán, mà phán mới liều!

PS. Như đã thưa, bởi đây là nơi “em tập” chứ không phải bài trao đổi học thuật, nên xin ở dạng “phiếm danh” các tên tuổi.

One thought on “Em tập phản biện-34. BẠN KHÔNG NHÌN THẤY NÓ KHÔNG PHẢI LÀ NÓ KHÔNG TỒN TẠI

  1. BẠN KHÔNG NHÌN THẤY NÓ KHÔNG PHẢI LÀ NÓ KHÔNG TỒN TẠI:

    Nó có thể tồn tại và có thể không tồn tại!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *