Nghe, thấy cái KHÁC mình, kẻ yếu bóng vía hoặc cãi, hoặc rụt cổ lại.
1. Năm 2014, buổi thuyết trình của tôi ở San Art được ghi hình và đưa lên Youtube [mãi nay tôi còn chưa xem nó], bạn FB Ja Gahlau kêu:
– Vừa nghe đến đoạn “Bên cạnh hệ tôn giáo tín ngưỡng Ahiêr và Awal, Cham còn tiếp nhận và sáng tạo nên hệ phái giữa là Mưdôn phụng sự tín đồ hai bên”, thì tôi tắt ngay, không cần nghe nữa…
Tôi gọi đó là rụt cổ trước cái chưa biết, cái biết khác mình. Sau một luận điểm là có luận chứng với giải minh, bạn chưa nghe phần sau mà vội rụt cổ, là tự thôi học rồi còn gì! Cái chân kiềng chính coi ra vẻ yếu ớt, nhưng chính 2 chân kiềng sau góp công đỡ nó đứng vững, vậy mà bạn không chịu dòm nó, khờ hết biết.
2. Năm 2008, tại Hội nghị BCH Hội Nhà văn VN mở rộng, tôi phát biểu, tóm ý như sau :
– Nhà văn ta có 3 bộ phận: Sáng tác, phê bình và bộ phận tổ chức tức Ban chấp hành; cả 3 đều lạc hậu!
Ăn nói ớn vậy, nếu mất bình tĩnh, mọi người bỏ ra hết rồi còn gì. Nhưng họ vẫn ngồi lại cho tôi phân chứng:
Sáng tác thì rõ rồi, ta kêu mãi thôi. Vậy mà phê bình vẫn không “theo kịp”. Khi phong trào Thơ Mới chưa kết thúc, Hoài Thanh đã xong Thi nhân Việt Nam, rất kịp thời. Trong khi Hội ta với cả ngàn hội viên mãi hôm nay, vẫn chưa ra nổi công trình về Thơ Đổi mới… Tổ chức cũng có hơn gì. Văn chương mạng, phong trào hậu hiện đại lao xao là thế, ta vẫn không lo sơ kết mà đi làm hội thảo tận… Cao Bá Quát.
Có thể tôi sai, bắt bẻ là chỉ ra cái hỏng của “kiềng” luận chứng kia, qua đó xô đổ “kiềng” luận điểm, chứ lắc đầu ngoày ngoạy, thì còn ra thể thống gì.