Mới bước vào tk XXI, GS-MQL nói to con: “thơ hậu hiện đại không dễ gì vượt qua rào cản người đọc ở nước ta”. Đó là nhân danh. Lần nữa, nhân danh “người đọc”. Người đọc là ai? Và người đọc nào? Sao phải nhân danh người đọc, mà không dám nói: “không dễ gì nó vượt qua rào cản lối đọc của tôi”?
Sau đó không lâu, một bạn FB viết:
“nhà văn, nhà thơ Việt, khi tự phong sáng tạo, thật ra chỉ là chạy theo trào lưu nhất thời Tân hình thức, hậu hiện đại cổ lỗ, lạc hậu đã bị phương Tây vứt vào sọt rác đã lâu.”
Là điệp khúc được hát bởi vô số “nhà” Việt Nam đủ loại – khộ!
Thơ Mới được cho là cuộc cách mạng thơ lớn nhất của VN tk XX, vậy chớ những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… sáng tạo từ đâu? Đích thị họ “chạy theo” Tây phương của Lãng mạn với Hiện thực, cùng [một ít] Tượng trưng của Pháp, không sai. Là các thư Tây phương đã vứt vào sọt rác 70-80 năm rồi.
Trong khi hậu hiện đại mới mở mắt chào đời ở Tây phương thập niên 1980; giữa thập niên 1990, Việt Nam đã có thơ hậu hiện đại. Thời đoạn tân hình thức “lạc hậu” còn ngắn hơn nữa: 7-8 năm. Còn là một thời chưa xa, vẫn xài được chán!
Việt Nam thiếu truyền thống triết học, không đầu óc sản sinh các “chủ nghĩa”, trào lưu văn chương, học của thiên hạ chẳng có gì phải xấu hổ cả. Toàn cầu hóa, ta càng phải học bạo hơn. Nếu không học (tiếp thu và sáng tạo), ta chẳng biết mình đứng ở đâu, rồi rớt lại lúc nào, nơi nào không biết nữa.