3 câu chuyện.
1. Vài nhà phê bình Việt Nam ưa kêu, giọng mỉa mai, rằng: “Siêu thực, tượng trưng, lãng mạn… chả mới gì cả, ở Truyện Kiều có tất”. Và tự tin rung đùi.
Không sai! Có thể tìm thấy ở Nguyễn Du không ít yếu tố ấy, ông không thuyết lí, không trì trì theo đuổi, không mở rộng tối đa khả thể mỗi chúng. Nghĩa là không chủ nghĩa.
Có yếu tố siêu thực trong tác phẩm khác trời vực tác phẩm nào đó viết theo chủ nghĩa siêu thực.
2. Hai năm trước, tôi viết: “Tôi chưa thấy đàn ông Cham thuộc thế hệ cha chú tôi mù chữ mẹ đẻ”, bị bạn FB Ja Gahlau bắt bẻ rằng, có “cả khối đàn ông Cham mù chữ”. Cả khối đâu chả biết, khi tôi hỏi gặng, bạn mới dẫn tên 1 người Chakleng quê tôi. Tôi nói:
– Bạn mới thấy 1, tôi biết tới 3 mà! Nhưng có vậy đâu…
LỖI LÀ CỦA BÀ TRỜI, CHỨ KHÔNG THUỘC TRUYỀN THỐNG CHAM. Truyền thống Cham cha dạy con, ông dạy cháu, thầy dạy trò. Ariya Patauw Adat đòi hỏi đàn ông Cham “tìm chữ cất trong mình” ngay từ nhỏ. Rủi ro nhà nghèo đi ở đợ chăn trâu, lớn lên lấy vợ, ông học; hay khi con cháu đầy đàn, ông tìm “chữ K đeo lỗ đít” để gọi là biết chữ với người ta. Ông chết, một nghi thức ở đám tang, thầy Paxêh sẽ Jôt Akhar: đọc ba lần chữ cái vào tai ông, đọc xuôi đọc ngược. Là cách xóa mù cho người chết vô cùng độc đáo của Cham. Đố ông… mù chữ.
Vài cá thể không biết chữ, do cơ thể họ thiếu khuyết bộ phận tiếp nhận chữ, nên học mấy cũng không vô. Bạn này còn chưa phân biệt được CÁ BIỆT với PHỔ QUÁT.
3. Mới đây thôi, để phản bác tôi, bạn Nik viết: “Thánh đường Islam có 2 dạng, dạng xây theo kiến trúc truyền thống và dạng xây theo kiến trúc Islam chung, tùy theo nhu cầu từng làng. Rất nhiều hình ảnh xưa của những thánh đường Islam bằng gỗ vẫn còn được lưu giữ”.
Ở một bài viết, tôi nêu vài điểm khác biệt PHỔ QUÁT giữa kiến trúc Thāng Mưgīk Bà-ni và Masjd Islam Cham CÓ TỪ 50 NĂM QUA. Còn “truyền thống” thì quay lùi tận đâu mới gặp truyền thống? Hai thế kỉ trước, ông bà Cham chạy loạn, để có chỗ thờ phượng, ta dựng tạm. Sau đó, có điều kiện, bà con làm khác, và CHUẨN “thế giới” hơn.
Ngay một làng Bà-ni mới hình thành đầu thế kỉ XX như Pabblap Birau (Phước Nhơn), Thāng Mưgīk dựng lên như ngôi nhà bình thường, mãi giữa thập niên 1960, bà con xây mới như hiện nay ta thấy.
Bên Cham Ahiêr cũng không khác, các “bimông” (tháp) Cham ở Ma Lâm đến nay vẫn là “ngôi nhà bình thường”, bà con cứ gọi là “bimông” vì nó mang chức năng không khác Bimông nào bất kì.
Dẫu sao, khi bàn về tháp Cham, nhà nghiên cứu nhấn về cái phổ quát, còn cá biệt chỉ là “thêm vào”. Vậy thôi.