Em tập phản biện-18&19. LỢI HẠI CỦA SO SÁNH

[1]

Thế giới chữ nghĩa, một khi ta lên chức đàn anh, đàn chị, ta ưa khen đàn em kiểu xoa đầu “được lắm, khá lắm”. Như thể một ban phát trên ngó xuống.
Tại sao không thể ngợi ca? Văn giới, không kể thế hệ đi trước, tôi từng ca ngợi kẻ cùng thời, và cả “đàn em”. Tôi ca ngợi hết mình, không chút ngại ngần. Và tôi ngợi ca đứa con Cham, cái đẹp của văn hóa Cham bên cạnh không thể không gọi tên mấy thiếu khuyết nơi cõi ấy.

Tại sao sợ phản biện, sợ phê bình? Tại buổi thuyết giảng ở Sứ quán Thụy Sĩ – Hà Nội, 5-2015, một vị kêu: “Dường Sara có vẻ chê văn hóa Việt…”
Tôi nói: Có đâu! Tôi nêu những gì bên văn hóa Việt yếu, và thiếu; ở đó văn hóa Cham bổ sung, làm đầy. Đại Việt thiếu hải sử, Cham bổ khuyết vào. Văn hóa biển của người Việt mỏng, Cham làm cho nó dày thêm. Văn chương người Việt thiếu sử thi, Cham góp sử thi vào để nó giàu sang lên. Tháp Chàm, điêu khắc Cham, múa Cham. Vân vân… Nói lên sự thật hiển nhiên đó, sao cho là chê bai?

Nguyên văn của tôi:
“…nếu người Việt mạnh về đất liền, thì dân tộc Cham ưu thế lớn về biển. Hải sử và văn hóa biển Cham làm đầy lịch sử Việt Nam, cũng như văn học Cham bổ khuyết cho sự thiếu vắng sử thi [viết] của văn học đa dân tộc Việt Nam vậy.
Thế nhưng, lâu nay chúng ta vẫn chưa ứng xử sòng phẳng với nền văn hóa ấy. “Đối nhân xử thế” kiểu ấy gây thiệt thòi cho chính chúng ta.”

[19]

Năm 1995, từ Sài Gòn về quê ghé thăm ông anh họ có vợ làng xa, vừa rút cuốn Văn học Dân gian Cham mới in ra khoe, đương loay hoay kí tặng, anh đã phán ngay: Mấy ông tiến sĩ Cham chết hết rồi sao để mỗi thằng em làm…
Đi với tôi có một phó tiến sĩ, mới kẹt. Cả hai còn miệng ăn hết ngõ nói.

Mấy hôm nay rỗi, lướt FB vài bạn văn, nghe nổ kinh. Cũng vui! Phiền nỗi là đụng mấy thứ: “Gầm trời này văn ông phải là number One”. Rồi ông bạn thơ quý mến còm khen ông nhà phê bình quý mến không kém: “Trong nước không ai hiểu hậu hiện đại hơn anh”.
Cảm tính cỡ thế, nhỡ có đàn em cắc cớ hỏi vặn lại: Ổng số 1, vậy ai là số 2 hay 3 đây? Hoặc: Bản thân bạn đã nắm bắt đủ đầy tư tưởng hậu hiện đại chưa; với lại bạn có quán xuyến hết hậu hiện đại Việt Nam chưa, mà hô to thế?
Cứ như là chuyện của tuổi mới lớn…

Sao cứ phải so đọ? Các cuộc thi thơ văn, hay sắc đẹp gì gì thì miễn bàn. Bạn dự cuộc, bạn cần chấp nhận nhận xét cao thấp của Ban giám khảo.
Nhận định, không tránh khỏi so sánh. Vơi văn chương, không thể nhận định một tác phẩm, tác giả nếu không đặt nó trong dòng chảy chung của nền văn học trong nước, hay thế giới. Không đặt nó trong dòng chảy, nó sẽ đứng trơ trơ, vô nghĩa.
So sánh là hình thái hoạt động trí năng bình thường của con người. Không vấn đề gì cả. So sánh để nhận biết mình đang đứng ở đâu, từ đó ta khiêm cung hơn, càng nỗ lực hơn…

Có so sánh hoàn toàn không cần thiết. Vô tình hay ý đồ riêng, khi so sánh, kẻ phát ngôn làm mờ đục không khí tương giao, thậm chí gây thù chuốc oán vô ích.
Cuộc chữ nghĩa, tôi nhận bao nhiêu là: “nhà thơ hàng đầu”, “một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay”, “lỗi lạc”, “thiên tài”… Không vấn đề gì cả; cùng lắm chúng làm cho vài người nhíu mày. Thế nhưng, khi kêu “Inrasara nhà thơ đại biểu”, hay “nhà Cham học số 1” gì gì ấy, nhất là khi bao nỗi kia được mang ra đặt cạnh nhà khác, thì có chuyện. Cõi chữ nghĩa, mấy ai chịu lép ai!

Chuyện làm tôi cười mếu. Mùa Đông 2005, một chị nhà thơ gặp tôi tại Trại Sáng tác Đải Lải, đã kêu toáng lên trước mọi người, rằng: “Tôi từng tuyên bố trước ông HT, rằng giải ASEAN năm nay mới là giải đích thực, còn lại hữu nghị tuốt”.
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau, là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *