1. Ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” của Amư Nhân nổi tiếng và tai tiếng thế nào, ai cũng biết rồi, miễn lặp lại. Không vấn đề. Bởi dẫu sao nó cũng đã diễn ra từ giữa thập niên 1980, chớ một vụ ít ai để ý, xảy ra ngay đầu thập niên 2 của thế kỉ XXI…
Katê 2010, tôi tình cờ xem tivi thấy vị Cả sư khai mạc buổi lễ trên Tháp với câu: “Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho người Cham…”. Thế là tôi… để bụng. Tuần sau về quê, tôi ghé nhà vị Cả sư, hỏi:
– Có ai ở trên nhắc Pô Adhya phải nói câu đó không?
– Không có, thầy nó à… Năm trước làm sao năm nay làm vậy… do quen thôi.
Tôi mới giải thích:
– Bác à, trước “giải phóng” Cham có Đ&NN đâu, ta vẫn làm Katê đó thôi. Sau 75, Đ&NN có công thống nhất đất nước thì còn được, giờ đã 35 năm đi qua rồi…
Về nguyên tắc, Quốc hội là do dân bầu, còn Chủ tịch nước do Quốc hội bầu; họ ăn lương dân và có trách nhiệm với dân, vậy không chuyện ơn nghĩa gì cả.
Ông nghe thủng lỗ tai, và hứa. Kẹt nỗi năm sau, chưa thực hiện lời hứa thì ông mất. Còn sau này nỗi ấy có diễn ra nữa hay không, tôi không biết được.
2. Năm 2011, một vị tiến sĩ Cham viết ở Lời nói đầu tác phẩm mình, rằng: “Đảng đã đào tạo các nhà văn Chăm”, bị một thi sĩ Cham phản ứng mạnh trên website của tôi, đến tôi phải can thiệp.
Tôi nói: Đếm, khi ấy Cham có 5 nhà văn, không ai do Đ&NN đào tạo cả!
Anh bạn phản hồi:
– Đi dự Trại Sáng tác chính là được “đào tạo”.
– Này nhé, trong 5 mạng ấy, chỉ có mỗi mạng dự 3-4 lần, nhưng ổng đi chơi, chớ có dự lớp đào tạo nào đâu. Còn cá nhân Sara “đào tạo” thiên hạ thì có, như thuyết trình, nói chuyện, chủ trì, chứ chưa hề ngồi lớp cho thiên hạ đào tạo mình.
Chưa chịu, anh bạn cãi tiếp:
– Nhận tiền “đầu tư” cũng là cách Đ “đào tạo”…
– Hay lắm! Một tổ chức Thái Lan cho tôi gấp ba lần tiền “đầu tư” của các Hội trong nước cộng lại, nếu thế họ “đào tạo” nhà văn Cham Inrasara rồi còn gì!
Kết. Nguyên tắc phản biện: Biết mình sai, chấp nhận là hay nhất. Chớ cãi thúng cãi mủng, càng cãi càng… sai.
Vụ này, nhiều bạn phản hồi với ngôn từ nặng nề, riêng tôi chỉ GIẢI MINH & BÀY RA, để chứng minh nó sai, cũng đủ.