[tặng bạn văn Lê Hồ Quang]
Về phê bình của tôi, một nhà nhận định rằng, ở đó: “… nếu có cái đúng thì không thật mới, còn cái mới nếu có thì lại rất dễ gây ra sự nghi ngại, hơn thế, sự phản ứng tự nhiên nơi người đọc”. Thiếu thiện chí thì vậy, ngay một cây bút đầy thiện chí cũng hệt, khi bạn này cho rằng “những điều Inrasara viết đều đã có trong kinh, sách”.
Trên kia là phê bình đoán mò với lối nói hàng hai, “nếu có… nếu có…”; hàng hai còn biểu hiện ở thiếu tự tin ngay mệnh đề sau đó: “Phản ứng tự nhiên của người đọc”. Tại sao không là ta, một nhà phê bình nói, mà phải dựa hơi vào khối “người đọc” mơ hồ nào đó?
Còn cụm từ: “không thật mới” được hiểu là, vẫn có “mới” nhưng chưa “thật”. Với tôi, “không thật mới” đã là ngon rồi. Hậu hiện đại: Về tư tưởng, không có gì mới dưới ánh mặt trời.
Thử đưa ra vài lí giải:
1. Cấp độ cao nhất là lĩnh vực triết học hay đạo học, cũng không có cái mới. Khác chăng là ở căn cơ và văn hóa, ở hơi thở và tinh thần – qua bùng nổ riêng, hay nói theo Phật học là từ kinh nghiệm chứng ngộ riêng, mà mỗi vị đạo sư “hành đạo” mỗi khác. Ngay trong lịch sử Phật giáo thôi, chứng ngộ là MỘT, nhưng mỗi tông phái thể hiện mỗi khác.
Krishnamurti chẳng hạn: Ông người Ấn, xuất thân gia đình Bà-la-môn, được đào luyện ở Anh, và chứng ngộ. Từ đó phủi tay bỏ hết, rũ bỏ cả kiến thức ông từng tiếp nhận trước đó [Freedom from the Known]. Ông “hành đạo” rất khác, khác về nhiều mặt. Nó khác hẳn so với Vivekananda trước đó, khác cả với Osho sau này.
2. Lĩnh vực sáng tác văn chương, ngay ở Việt Nam – phong trào thơ Mới cũng “không thật mới”, bởi sự thể đã có mặt ở Tây phương, cụ thể là Pháp, non thế kỉ trước đó rồi. Nhà thơ Việt Nam tiếp nhận cái thiên hạ bỏ đi ấy, và “làm mới”.
Mới ở đây là gì? – Thi sĩ Việt Nam viết trong môi trường văn hóa khác, sử dụng ngôn ngữ khác, cách thể hiện khác.
Một ví dụ nhỏ, như cảm thức “vô thường”, nó đã được đề cập từ xa xưa, tuy nhiên qua cách diễn đạt, Trần Tử Ngang khác Bùi Giáng, Bùi Giáng khác Trịnh Công Sơn.
Hậu hiện đại ở Việt Nam hôm nay cũng hệt.
3. Về phê bình của tôi, cũng “không thật mới”.
Vậy đâu là cái mới của nó?
Trong MÔI TRƯỜNG ĐẶC THÙ của văn học Việt Nam…
– Về ĐỐI TƯỢNG phê bình, tôi nhấn vào các cây bút ngoại biên: Cham, dân tộc thiểu số, nhà văn Việt hải ngoại, nhà văn nữ, nhà văn cư trú ở vùng xa trung tâm…
– Về TƯ TƯỞNG phê bình, tôi vận dụng tinh thần hậu hiện đại để nhận diện, đánh giá chúng.
– Về KĨ THUẬT, thao tác so sánh chẳng hạn, nó được một nhà cho là “khá hiếm hoi”.
Là 3 điểm tôi đã khác với người cùng thời, đó là chưa nói đến CÁCH THỂ HIỆN.