[thân tặng Nhất Lý Nguyễn, nghệ sĩ làm nên giao hưởng “Đêm vô thức” tuyệt chiêu]
1. Nghệ sĩ KHÁC NGƯỜI là phải rồi; nghệ sĩ có tài còn khác bạo – không sai.
Nhưng thế nào là “khác”? Kiểu ra đề này đặt cái vụ “không sai” kia đứng ở thế chông chênh rất dễ đổ.
Heidegger giáo sư Đại học sáng chiều đóng thùng trịnh trọng lên giảng đường, ai dám cho ổng kém chất nghệ sĩ hơn chàng Nietzsche cô đơn? Hay Goethe sinh hoạt đúng giờ giấc thì không nghệ sĩ bằng Rimbaud bạt mạng? Cũng vậy, Osho râu ria bờm xờm bên cạnh Krishnamurti mày râu nhẵn nhụi, hay Whitman so kè Henri Miller, Lê Anh Hoài cạnh Lê Vĩnh Tài…
Khối sinh linh bất tài và thiểu năng nghệ sĩ tính từng nghĩ dại, từ đó làm dại.
Bất tài, thèm tiếng nghệ sĩ, ta gồng mình cho “khác người”, làm đủ trò cho ra vẻ khác; trong khi nghệ sĩ thực tài cố GIẤU vẻ khác người của mình đi, ẨN chất nghệ sĩ trời phú qua nỗi bình thường hóa tối đa hình thức bề ngoài. Không cho nó toát ra giọt nào càng tốt.
2. Giai thoại về Heraclite – tư tưởng gia cổ đại, kể rằng một hôm, bởi tò mò, nhóm quý tộc đến thăm ông. Bất ngờ thấy nhà tư tưởng nổi tiếng đang ngồi sưởi ké lò nướng bánh của người láng giềng, họ lưỡng lự.
Từ quê nhà, nhóm quý tộc hi vọng sẽ may mắn chứng kiến giây phút nhà tư tưởng chìm trong suy tư sâu thẳm, sâu thật sâu, nhưng không. Chỉ là một sinh linh bình thường ngồi co rúm bên lò nướng bánh, tư thế các vị có thể bắt gặp bất cứ đâu bất kì lúc nào ở quê.
Hiểu được sự thất vọng tràn trề kia, Heraclite đã khích lệ họ với câu: Ngay tại đây THẦN TÍNH cũng trú ngụ: `Of course, even gods come in here’ Chốn bình thường này trong cái thường nhật này, TƯ TƯỞNG VẪN CÓ MẶT.
Còn họ có hiểu hay là chẳng, giai thoại không cho ta biết.
3. Chuyện tôi.
Hè 1996, lần đầu ra Bắc dự trại Sáng tác. Trại gom hơn 20 nhà văn nhà thơ [nghĩa là nghệ sĩ], trong đó có tay ngó bộ hơi bị cồ.
Áo quần, tóc tai với râu ria khác người; uống rượu bạt mạng ăn đứt đời; khoản ăn nói với đọc thơ thì miễn bàn: giọng rền vang tự tin phải biết. Như thể dưới vòm trời chỉ có mỗi Hữu Thỉnh, và ta. Tất cả toát lên chất nghệ sĩ… lớn. Rất ớn!
Tôi khi ấy vô danh toàn tập. Bắp thịt lực điền, ngồi thì còn ra dáng người có chữ nghĩa chút chút, chớ điệu đi dáng đứng đích thị tay nông dân không hơn kém phân tấc.
Cuối Trại, thế nào?
Trong lúc thơ nông dân thì được [thiên hạ, chớ hổng phải tui] cho là: Ý tưởng táo bạo, tứ thơ mới lạ, tiếng Việt tài hoa ít nhà thơ Việt có được, thì chàng nghệ sĩ lớn kia nộp bản thảo tập thơ… sến tới bến.
Đấy, bà con cứ trông mặt mà bắt hình dong đi…
4. Tiếp…
Năm ngoái thăm bệnh nhân Chợ Rẫy, dắt xe ra, cậu giữ xe rụt rè hỏi: – Dạ chú có phải nghệ sĩ không ạ?
– Ui hổng phải đâu, chú vừa từ quê lên, – tôi cười cười với cậu, dắt xe đi.
Tết vừa rồi, đạp xe qua chợ Tân Hương mua khoai lang tím. Tôi ghé 4-5 bận gì đó, mãi hôm nay cô chủ mới tò mò hỏi:
– Trông anh nghệ sĩ lắm, cho biết quý danh được không anh?
– Anh nhà văn thôi, – tôi trả lời, tiếp tục lựa khoai.
– Vậy là em đoán gần trúng rồi…
Quá tam ba bận, hôm ấy về soi gương xem kĩ mình có tí ti dáng nghệ sĩ nào không, để còn liệu mà tỉa bỏ đi? Không gì cả.
[Liên hệ với giai thoại Heraclite & Nhà quý tộc:
– Sinh linh bình thường: cậu giữ xe, cô chủ bán khoai;
– Ở nơi chốn bình thường;
– Sara tôi ăn mặc rất ư bình thường;
Vậy mà tôi vẫn TOÁT LÊN CHẤT NGHỆ SĨ [!] để họ nhận ra, mới không bình thường]
No problem. Bạn văn Phạm Lưu Vũ còn phác họa chân dung Sara: “… Nhìn gần lại giống bù nhìn coi dưa…” mà. Không sao… không sao….
Ngay mùa Hè năm ấy, sau Trại, tập thơ đầu tay Tháp Nắng chào đời và ôm gọn giải… Hội Nhà văn Việt Nam. Còn nghệ sĩ cồ kia thì biệt vô âm tín qua thế kỉ XXI đến tận hôm nay.