Nắm vững tri thức 4 khu vực, đứng trên kiềng ba chân, nhà văn kể chuyện.
Nếu chỉ có thế, hắn trở thành nhà sử học mất.
Cũng không phải kiểu sử gia như Tạ Chí Đại Trường nữa. Dẫu sao, ông là kẻ giàu tưởng tượng, biết vận dụng sức liên tưởng của mình, và viết sử bằng một giọng văn cuốn hút đặc biệt.
Vượt lên trên nhà sử học, nhà văn phải kể chuyện như một nhà văn.
Văn chương bổ khuyết cho lịch sử, làm đầy những gì sử thiếu: Những góc khuất nơi vùng miền không sử gia nào chạm tới, những phần chìm mà chỉ nghệ sĩ lớn mới khả năng lặn sâu xuống và nắm bắt được. Ở đó đầy tràn hơi thở của con người, hữu danh và vô danh, kẻ làm lịch sử và kẻ chịu đựng lịch sử, thượng tầng lẫn hạ tầng…
Chuyện kể ấy qua tay thiên tài, có thể làm thay đổi cách nhìn, về nhân vật lẫn sự kiện lịch sử. Hắn dẫn độc giả phiêu lưu vào những tầng miền bất khả đoán, mà vẫn đảm bảo sự khả tín.
Khác với sử gia cố gắng thuyết phục kẻ tiếp nhận thông tin qua nhận thức, nhà văn đánh thẳng vào con tim người đọc, lay động họ tận thẳm sâu vô thức, dựng họ dậy buộc họ tỏ thái độ.
Hiểu quá khứ để đóng lại quá khứ, với hành trang quá khứ sau lưng – thế hệ Cham đối mặt với cái xa lạ, hắn học yêu cái chưa biết và đam mê cái chưa có. Mục tiêu hắn hướng tới là tác phẩm tương lai còn chưa định hình. Goethe: Ba yếu tố tạo nên kiệt tác:
– Dân tộc đó có điều lớn lao để nói với nhân loại.
– Có thiên tài để nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật.
– Và người đó làm việc ở thời kì sung sức nhất.
Như vậy, người Cham có điều gì lớn lao để nói, nói như thế nào, và ai sẽ là thiên tài nói lên cái đó?