Tôi là kẻ kể chuyện, và thích nghe kể chuyện.
Thuở tiền-xà lỏn, tôi hay theo mẹ qua nhà ông Klơng Phaic ở giữa làng nghe ông kể chuyện. Giữa chừng là nằm co lên chiếc chiếu xe trải giữa sân, ngủ. Trẻ con mà, nhưng không thể không đòi đi. Bận sau, tôi hứa, mẹ chiều, rồi cứ thất hứa.
Lớn lên, tôi kể chuyện. Mênh mông chuyện. Không chỉ truyện cổ như các cụ Cham, mà còn là lịch sử, huyền sử, chuyện đời thường đủ loại – kể theo kiểu tôi.
Trích Hàng Mã Kí Ức (tiểu thuyết, 2011):
Ramưwān năm 1978, các bạn kéo nhau xuống Thành Tín. Tôi lúc đó đang tu Oshawa, đã hành anh Ve chạy khắp ngõ palei tìm gạo lứt muối mè. Ai đời “Tết Bà-ni” bà con nhậu nhẹt linh đình, mình đi ăn chay, lại lối chay khác trần đời nữa chớ. Nhưng các bạn vẫn moi ra được. Rồi là cối, nồi đất, lò than. Tôi ngồi nhai gạo lứt hệt thiền sư khùng giữa đám bạn. Và tôi huyên thuyên về Damnưy Pô Klong Girai, Ariya Glang Anak, về ngôn ngữ Cham, về Royaume du Campa… Nhóm bạn cùng vài cụ ngẩng cổ nghe và dĩ nhiên, phục sát đất.
Thấy không khí có mòi nghiêm túc, và nghiêm trọng, thế là tôi nổi mát lên. Khi một chú “xin hỏi cậu nó tuổi con gì nhỉ” [chú nghĩ tôi phải xém 40, không thì sao lại giỏi thế chứ], tôi trả lời liền theo:
– Dạ em tuổi con Krat Chàng hiu ạ!
Mọi người khựng lại chục giây, chợt hiểu ra, rồi cười phá lên và giải tán.
Hãy thử phát ra tiếng K R A T đúng âm Cham mà xem, giữa cao trào nỗi nghiêm trang kia! “Krat” là biệt danh bạn học tặng cho tôi từ thuở Pô-Klong. Xa hơn nữa, dân Chakleng biếu tôi biệt danh siêu hơn nữa: Thằng Trạm mát.
– Có người lớn đến nghe mà mi cũng bỡn được, – Sau đó thằng bạn tôi lên giọng cụ non, trách.
Tôi nói, định mệnh Cham thảm rồi, sinh phận Cham hôm nay cũng quá buồn rồi, vậy mà mấy ông đòi tui vác bộ mặt đưa đám ra kể chuyện nữa thì còn chi là sống. Hiểu, cho nó nằm yên đó, để còn lo sống chứ, không phải sao? Dù gì thì gì điều tối quan trọng, – nói như Llosa, là cần phải “giữ được sự tươi mới trong tâm hồn”.
K… r… a… t…