[Châm ngôn hậu hiện đại: “Think globally, act locally”]
1. Việt có gì để ưỡn ngực với thế giới?
Đền đài lăng tẩm ư? Mọi mọi chỉ là mô hình thu nhỏ của Tàu, không hơn. So với Angkor Wat của Cambodia, Borobudur của Indonesia hay Mỹ Sơn của Cham, nó đứng bằng đầu gối.
Triết học và Văn chương ư? Kiểm lại có mỗi Truyện Kiều, lại là cốt truyện Tàu, tư tưởng thì cũ kĩ; duy mỗi thứ được là văn chương.
Áo Dài ư? Cứ truy nguồn gốc của nó cũng đủ biết.
Vậy người Việt có gì? – Có mỗi thứ ĐÁNH NHAU là giỏi.
Đánh nhau và… Văn Minh Lúa Nước, cùng chung Đông Nam Á.
2. Văn minh lúa nước là tiền đề của văn hóa làng xã, ở đó tinh thần hòa khí cộng đồng là quả đẹp nhất của nó. Chả ngoa đâu:
Việt có tam giáo đồng nguyên.
Islam độc thần vào Malaysia, Indonesia đại bộ phận là hệ Sunni ôn hòa, nhập địa vùng văn minh lúa nước nó càng mềm hơn.
Riêng Cham độc đáo hơn nữa. Dân tộc này hóa giải Islam thành Bà-ni, hòa giải với Bà-la-môn để thành tôn giáo Ahiêr Awal độc nhất vô nhị trên thế giới – đáng là bài học lớn cho nhân loại.
3. Việt còn gì?
Tiềm lực tự nhiên, dù non nửa thế qua ta đã làm tanh bành, nó vẫn còn chứ không phải đã trơn trọi.
Và nhất là tiềm lực văn hóa với 54 dân tộc với ngôn ngữ riêng và văn hóa riêng.
Vẫn còn Giàu & Đẹp chán.
Việt Nam còn có Thái để bắt nối với Thái Lan, Lào; còn có Khmer để làm lành với Cambodia. Vân vân.
4. Và nhất là Việt Nam đang có… Cham
Từ nền chung là Văn minh Lúa Nước ấy, từ nỗi “Giàu & Đẹp” ấy, Việt Nam dễ thành TÂM ĐIỂM của Đông Nam Á, gắn kết khu vực này thành một khối.
Từ 30 năm trước, Phạm Huy Thông đã nhìn ra manh mối vấn đề:
“Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết.” (1988, “Lời giới thiệu”, Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học Xã hội).
Từ đó, mà THOÁT TRUNG cái rụp. Quan trọng là ta có muốn hay chẳng. Hay muôn năm “ta về ta tắm ao ta”?!