[Châm ngôn hậu hiện đại: “Think globally, act locally”]
Tôi đọc Bùi Giáng sớm và kĩ. Bùi Thy sỹ mê lục bát và Kiều, yêu Camus, nể trọng Heidegger. Bùi từng nói đại ý, ông dân Pháp chính hiệu chắc gì hiểu Camus hơn tui Việt mũi tẹt. Bùi Giáng dân tộc mà vẫn thế giới, là vậy.
Năm 2002, một tạp chí Cham hải ngoại phê thơ Inrasara, rằng nó: “thiếu bản sắc Cham”, người Cham cảm thấy “khô cằn, xa cách và không rung cảm”.
Thì đó cũng là nhận định, có khờ mới giơ tay ý kiến. Phiền là kêu nỗi ấy, đồng tộc tôi đòi nhà thơ Chàm mình ở lại với Chủ nghĩa Ao làng!
Tôi mê Ariya Glang Anak, Pauh Catwai [chưa tính việc sưu tầm, nghiên cứu và dịch mấy ngàn trang văn học Cham, cả văn học dân gian lẫn văn học viết], yêu Tô Thùy Yên, Phạm Công Thiện, kính Dostoievski, Faulkner, và nể trọng Heidegger, Đức Phật.
Vậy là tôi giống… Bùi: Việt Nam, mà không thiếu thế giới, và hơn thế – rất Cham. Tạm nổ to thế cho sướng cái đã. Đó là cân đong phần lượng, chứ về chất thì em xin kiếu.
Còn đòi thơ tôi ở lại với thể ariya, quanh quẩn đề tài Cham thì chán biết bao!
Dấn mình vào thế giới văn chương chữ nghĩa, nếu tôi chỉ đóng khung mình ở LÀM thơ, càng chán nữa. Vả lại làm thơ, tôi không dừng ở Lãng mạn hậu thời hay Hiện đại, mà dấn vào cả Hậu hiện đại lẫn Tân hình thức. Vậy mới gọi là phiêu lưu sáng tạo. Và vui.
Để chơi tới bến, tôi nghiên cứu sâu thơ Cham, thơ Việt và thơ dân tộc thiểu số, rồi lập biên bản chúng; tôi theo dõi các trào lưu thơ thế giới, cả các lí thuyết mới nhất về thơ; tôi viết tiểu luận và phê bình thơ; thuyết trình về thơ cũng không chừa.
Chớ nếu mãi ở lại ao làng, thì còn gì là Inrasara!