VỀ CHỦ NGHĨA AO LÀNG.03- TỰ NGẮM MÌNH

[Châm ngôn hậu hiện đại: “Think globally, act locally”]

1. Vụ Bà-ni/ Đạo Hồi năm ngoái, đang nhập cuộc hứng thú, một bạn học cũ còm lạc điệu rằng: Ông Sara có là dân Pabblāp người Bà-ni đâu mà đau cho Bà-ni.
Ở chiều ngược lại, năm 2016, một bạn FB Cham còm ở Stt “Vấn đề Cham hôm nay”, rằng ông Sara chỉ biết ca tụng mỗi palei Chakleng quê ông.
Chân trời khác, trên tạp chí Nhà văn số 6, 2011, một vị Phó GS-TS cáo giác tôi cho cái gì Cham ông cũng là “nhất”, riêng thơ thì “hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác”.
Khi tôi hỏi vặn đâu là bằng chứng, thì cả ba lỉnh đâu mất!
Mèng! Ví tôi cứ là thằng-Klu-đứa-con-Chakleng mà không là đứa-con-chung-của-Đất, cứ nhốt mình trong lô-cốt Bà-la-môn mà không gồm luôn Cham Bà-ni và khác, mãi đóng cứng mình trong thế giới Cham mà chối từ mở rộng ra toàn cõi Việt Nam; ví tôi trang bị tinh thần đối xử phân biệt kiểu ấy để chịu làm tín đồ Chủ nghĩa Ao làng, tôi thà đâm đầu làm đảng viên… Đảng CS Mỹ còn hơn.

2. Phê bình thơ tiếng Việt, tôi có lập biên bản mỗi Cham đâu, mà bàn rất nhiều về thơ dân tộc thiểu số khác, nhất là thơ của người Việt – cả trong lẫn ngoài nước, chính thống lẫn ngoài lề.
Riêng nhận định về thơ tiếng Việt của các thi sĩ Cham, so sánh với thơ trẻ “các dân tộc anh em”, chữ “khác”, “khác biệt” được lặp đi lặp lại nhiều lần, chứ chưa một lần kêu Cham HAY “hơn hẳn các cây bút trẻ” dân tộc nào bất kì.
Quay lại cộng đồng Cham nhỏ bé, tôi có tâng bốc mỗi Chakleng đâu mà nêu lên cái hay, đẹp của rất nhiều palei khác; càng không dành lời ca ngợi mỗi đứa con Chakleng, mà mở rộng đến 48 sinh linh Cham các nơi. Từ Cham Ahiêr, Cham Awal, Cham Islam đến Cham theo Đạo Chúa các loại…

3. Còn việc giơ tay xin ý kiến?
Vụ đất Ghur Darāk Neh của Cham Bà-ni, ngay từ năm 1999 tôi là kẻ đầu tiên nhìn ra nông nỗi. Thấy và gợi ý. Để mãi hơn giáp sau không ai nhúc nhích, tôi mới vào cuộc.
Nhỏ là sự cố Kiều Minh Vũ ở palei Cwah Patih; nhỡ như vụ đất đai Văn Lâm; to như Dự án Nhà máy ĐHN, tôi là sinh linh dấn thân vào sâu và dài lâu nhất. Và đi đến tận cùng sự việc, mới thôi.
Gần, như vụ Trường Dân tộc nội trú Ninh Phước, hay xa như chuyện của cộng đồng bà con Bami, tôi là kẻ thấy và làm [hay sắp xắn tay áo vào].
Từ sát sườn như câu chuyện Hầm Mỹ Chakleng, xa hơn xíu như Dự án Thép Cà Ná, cho đến nỗi diệu vợi là sự kiện Tam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa, Formosa), hắn cũng biết và góp bàn tay vỗ nên bộp.

Trí thức là kẻ luôn để TRÍ mình THỨC, nhìn thấy vấn đề cạnh mình, quanh mình, cả chuyện diễn ra ở bến xa, bờ rộng. Hắn thấy trước, sợ trước, lo trước. Sợ, và RÊN LÊN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *