1. Sau Chiến tranh lạnh, trong khi một nửa thế giới nỗ lực không ngưng nghỉ cho hiện đại hóa về mọi mặt, thì nửa kia vẫn tiếp tục đổ máu để xem ai là chủ của cái cây Ô-liu mỏng manh nào đó. Là phát hiện độc đáo của Th. Friedman, trong cuốn sách thời danh: The Lexus and the Olive tree (2000).
Chiếc Lexus tượng trưng cho động lực làm giàu và hiện đại hóa; cây Ô-liu: cho bảo tồn bản sắc truyền thống một cộng đồng. Cuộc chiến giữa Lexus và Ô-liu đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, trong một khu vực, một đất nước, một cộng đồng và thậm chí, ở thẳm sâu tâm hồn của cá nhân.
Trước, bản sắc này tìm mọi cách loại bỏ bản sắc khác; hay nói cách hình tượng, cây Ô-liu này luôn muốn nhổ bỏ cây Ô-liu kia thì nay, cây Ô-liu còn phải ra sức chống lại sức mạnh ghê gớm đến từ Lexus, chiếc Lexus có mặt quanh nó và, trong nó!
Vậy, làm sao cho cây Ô-liu sống cạnh, chung và với xe Lexus mà không bị èo uột hay khô héo? Nói cách khác: Làm sao một cộng đồng, dân tộc, cá nhân… giữ được bản sắc mà vẫn có thể hiện đại? Là câu hỏi sống chết của hôm nay, đặt ra cho mỗi thành viên cộng đồng, nhất là cho mỗi trí thức của cộng đồng ấy.
2. Ta đã từng sợ: Sợ mất bản sắc, mất cái tinh túy nhất do ông bà để lại. Toàn cầu hóa, trước thách thức đến từ hiện đại, ta thấy mình lép vế. Ta nhìn cuồng phong văn minh thổi tới với tâm cảm sợ hãi và con mắt đầy mặc cảm, vừa khư khư ôm truyền thống vừa lấm lét học đòi hiện đại; vừa ra sức bảo tồn bản sắc vừa ngầm hiểu bản sắc kia sẽ tiêu vong, không chóng thì chầy.
Làm thế nào Cham hiện đại mà vẫn giữ căn cước, bảo tồn bản sắc?
Làm sao, dù: “cuốn dòng chảy thị thành” MÀ EM KHÔNG “quên mình là Cham/ như quên mình chưa có giấy khai sinh”?
Khư khư giữ bản sắc, ta là kẻ giữ kho của ông bà, không hơn không kém!
Nhưng lẽ nào ta quanh đi quẩn lại hết Thei Mai đến Bhum Adei, hết ưỡn ngực về tháp Chàm đến va quẹt về Akhar Thrah mà không gì khác, không gì hơn? Như thế khác nào ta tự đóng khung trong ao làng để lau chùi Li-i kathok, goh glah!
Lẽ nào ta mãi…
“Tự chấm tọa độ đời mình trong sương mù quá khứ
Thế giới rộng lớn vô cùng, ta ngồi nhà đóng cửa
Dòng sống phong phú dường bao, ta mãi đứng bên bờ
Như con rắn nằm cuộn tròn ôm giấc mơ xưa
Tàu cuộc đời vụt qua cho ta hoài lỡ chuyến” (Tháp nắng, 1982)
3. Vậy, làm thế nào ta cứ viết tiếng Việt ngon lành, xài tiếng Anh cừ khôi, mà vẫn có thể cùng nhau nói thuần thục tiếng Cham?
Hay, làm sao anh vừa tinh thông Ariya, Pauh Catwai mà vẫn chơi sòng phẳng trò chơi Siêu thực, Hậu hiện đại với thế giới ngoài kia; hoặc, em vừa điêu luyện điệu Biyên, Tiong, Mưmang, Mưrai bên cạnh nhập cuộc vũ điệu múa bụng, hay Ballet mà không chút ngán ngại.
Tại sao không?