Minh giải ngắn: HIỂU ĐÚNG VỀ RIJA NƯGAR

[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL]

Có vài ý kiến [rất ít thôi] cho rằng Rija Nưgar là lễ cúng thần yang mang tính mê tín. Là ý kiến lạ cần được giải tán. Xin có đôi lời minh giải ngắn và dễ hiểu như sau:

1. Rija Nưgar tên gọi là “lễ xứ sở”, có mặt từ thời tiền tôn giáo Cham, được tổ chức vào đầu năm lịch Cham.
Đó là lễ ĐÓN NĂM MỚI, lễ này dành cho tất cả sinh linh Cham không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng.

2. Trong lễ Rija Nưgar, các bài tụng ca được hát là Damnưi CA NGỢI CÔNG ĐỨC vua chúa, anh hùng liệt nữ có công với non sông đất nước, với cộng đồng.

3. Sau cùng, Rija Nưgar trở về cúng Thần Làng là vị có công lớn với địa phương (ví dụ Chakleng là Pô Riyāk, Pabblāp Birau là Pô Klōng Kasat…) và NHỚ ƠN ÔNG BÀ TỔ TIÊN.

Cả 3 điều trên: Đón năm mới – Ca ngợi công đức người có công – Nhớ ơn ông bà tổ tiên, là cái THỰC của lễ, và là NHU CẦU của đại đa số dân tộc trên thế giới.
Ta biết, không tôn giáo nào “hư vô” như Nhà Phật: Thế giới vô thường, hiện thực quanh ta là “không”, cả tấm thân tứ đại ta mà mỗi ngày ta chăm bón vẽ vời cũng chỉ do ngũ uẩn hợp thành – là KHÔNG to tướng. Vậy mà khi vào Việt Nam, Đạo Phật cũng chấp nhận tục thờ cúng ông bà tổ tiên.
Tín đồ Bà-la-môn bên Ấn Độ mất, thiêu xác, mang hết xuống Sông Hằng là xong nợ; nhưng rồi khi nó qua Cham, Cham dựng Kut, mỗi sinh linh được cho chừa 9 mảnh xương trán đưa vào làm dấu vết để con cháu biết mà thờ cúng, nhớ ơn bậc sinh thành, dưỡng dục mình.
Islam vào đất Cham cũng hệt. Minh chứng rõ nhất, Ramadan biến thành Ramưwan để người Cham Bà-ni được Tảo mộ, rồi về nhà Bbang Mūk Kei – cúng ông bà tổ tiên; sau đó là tiệc tùng [dù là chuyện phụ] chứ không chạy tịnh như Islam thuần thành.
Nhập gia tùy tục, là vậy.

[1. Không “hư vô” như Bà-la-môn Ấn, Cham có Kut. 2. Cham Bà-ni Bbang Mūk Kei – cúng Ông bà tổ tiên trong tháng Đại lễ Ramưwan]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *