Chuỗi thất bại – nói vậy dễ bị cho là giả vờ khiêm tốn…
Bởi thực tế hiếm nhà văn Việt cùng thế hệ thành công như tôi.
Nghiên cứu thành công: Giải thưởng CHCPI rồi Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, đó là chưa kể các giải Hội VHNT các DTTS, hay Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Sáng tác thành công với 2 lần giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải SEAWrite cùng vài giải hàng năm/ tháng của Báo.
Lạc qua đất Phê bình, tôi cũng thành công nốt: 2 giải thưởng to và hai tặng thưởng năm của tạp chí.
Ngay cả hoạt động xã hội, tôi cũng được coi là kẻ thành công: Tagalau, và nhiều thứ khác được bà con ghi nhận.
Thành công đến nỗi một nhà văn [không phải không danh giá] kêu lên rằng đời nhà văn mà đạt được một nửa Inrasara thôi cũng đã toại nguyện rồi!
1. Nhưng tôi vẫn là kẻ thất bại, thất bại lớn.
Nghiên cứu thành công, tôi đã viết đâu đó rồi: đó chỉ là do rủi ro. Nhìn quanh không thấy ai làm, tôi làm, và được, chứ tôi chưa một lần ý định làm nhà nghiên cứu.
Cả văn chương cũng vậy, làm vì thích, chứ không phải ước mơ.
Giấc mộng lớn của tôi là làm triết gia, NHÀ TƯ TƯỞNG. Nhưng rồi đến tuổi hiểu biết, khi “biết” mình là Cham, tôi từ bỏ tham vọng trời ơi kia.
Đó là thất bại đầu đời.
2. Thất bại thứ hai đến ngay sau đó: Ý định làm Quê hương [Ngak Ia] theo quan điểm của tôi, khi tôi bước qua tuổi 20.
Con của loài người không có đất gối đầu – Phúc Âm nói thế. Đây không là quê hương tôi, không là cái NHÀ của tôi – tôi ý thức thẳm sâu sự thể kinh hoàng đó. Tôi lạc lõng trên chính mảnh đất mình đang cư ngụ.
Khi ấy tôi đang sinh viên. Bạn bè vượt biên hụt và bị tù. Người tôi yêu [lần đầu tiên tôi biết yêu thực, dù là yêu sau lưng] đi yêu một anh chàng Việt kém tôi mọi mặt, chỉ được cái hắn hơi có tiền cho nàng tiêu vặt, tôi thì không.
22 tuổi, tôi cạo đầu đi… TU. Là chuyện xã hội Cham hiện đại chưa xảy ra bao giờ!
[bài thơ “Khi quê hương vắng mặt” diễn tả tâm thế tôi đúng nhất ở năm tháng khủng hoảng kia].(*)
3. Tuổi tứ thập, tôi cho ước mơ xuống đời: Dựng lập NHÀ TRƯNG BÀY.
Ở Sài Gòn, là NHÀ TRƯNG BÀY INRA – Kana làm khá tốt: Trưng bày toàn bộ công trình của tôi và mẫu mã thổ cẩm của Hani, nhưng rồi hôm nay bà xã biến nó thành kho chứa hàng!
NHÀ TRƯNG BÀY VĂN HÓA CHAM ở Chakleng đang vang tiếng, do chưa có người trụ trì, Jaya tạm tranh thủ một phần làm Studio. Đoàn Nhật, Mỹ qua kêu rằng “có còn hồn vía Inrasara nữa đâu”.
Ở đây Jaya hứa sẽ phục hồi lại, chứ ở Sài Gòn thì tiêu rồi.
TAGALAU như bà con biết, 4 năm sau khi bàn giao cho thế hệ mới, nó bị ngưng trệ từ 2 năm qua.
4. Thất bại thứ tư chính là chương trình CỨU VÃN TIẾNG CHAM. Là điều tôi rất quyết tâm và nỗ lực nhiều, thế mà 40 năm đi qua ngoảnh lại: Cham càng ngày càng nói độn.
5. Cuối cùng là Chương trình ĐẶT NỀN TẢNG TRIẾT HỌC để làm HÀNH TRÌNH ĐI TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL.
Dấn sâu thực tế xã hội Cham tôi mới thấy nó nhiêu khê thế nào. Dẫu sao trong phần đời còn lại [33 năm nữa thôi], tôi dành hết trí & lực tàn cho NÓ. Và cầu PÔ YĀNG luôn đứng bên cạnh tôi – sinh linh Cham mà Ngài lỡ sai con Rồng liếm đậm.
Xalam Thun Birau như thế!
–
(*) KHI QUÊ HƯƠNG VẮNG MẶT
Bài thơ sáng tác vào mùa hè năm 1985, chưa đăng ở đâu hay in trong tập thơ nào.
Khi Quê hương vắng mặt
người tình ta lang thang
ánh sầu soi tròng mắt
hoài vọng mờ rêu phong
Khi Quê hương vắng mặt
bạn bè tay sần chai
nỗi áo cơm tất bật
mang vợ con bên đời
Không còn ai còn ai
khi Quê hương vắng mặt
người đi làm hành khất
ngày tháng rồi nguôi ngoai
Nơi miền đất vong thân
ngữ ngôn em cóp nhặt
không ánh lửa bàn chân
hơi thơ ta lịm tắt
Khi hoài vọng mờ xa
người bạn bè mất lửa
hôm nay còn mình ta
ôm con đường, đóng cửa
Ơi Quê hương lang thang
cuốn đời ta rong ruỗi
hôm nay mi dừng chân
giữa lưng chừng bóng tối
Soi thầm khuôn mặt mi
ơi Quê hương câm lặng
ta đốt cháy đời ta
cho vỡ ra bóng sáng.