[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL: LUẬN.3]
Hai câu chuyện.
1. Anh bạn chức sắc Halau janưng của tôi, nửa đùa nửa thật, rằng:
– Mỗi bận Sara ghé thăm Thāng Mưgīk là mỗi bận mình rầu, rầu là sau khi Sara về, các vị hay hỏi: Ổng “takhāt” được nhiêu?
Nghe, tôi ngạc nhiên không ít. Bởi tôi với các vị khá thân, và có thể nói tôi đã hỗ trợ [bố thí] nhiều – các loại bố thí KHÁC: Tấm lòng, tiếng nói, phương thức, tinh thần, và cả kiến thức (các cuốn sách). Về vụ ĐHN [các vị lo lắng, luôn hỏi thăm và muốn biết ý kiến và “chất trụ” của tôi], về vụ Ghur Darāk Neh [tôi ở cạnh bà con, luôn có phản ứng kịp thời để hỗ trợ], về Vụ Bà-ni/ Đạo Hồi, vân vân.
Tôi chỉ thiếu mỗi Tài thí, nghĩa là cúng dường như tín đồ bình thường khác.
Dẫu sao tôi vẫn lắng nghe, và thấu hiểu!
2. Năm ngoái, trong một trao đổi qua lại trên FB về “đốt nhang trong tháp”, một bạn FB được coi là trí thức kêu: “Ông có lên tiếng này nọ vì LỢI bản thân thôi”. Đọc, tôi giật mình cái thột, mới đặt câu hỏi:
– Lên tiếng cho cộng đồng, xin bạn cho mình biết: Sara được lợi gì? An ninh quan tâm, Đại học cắt buổi thuyết trình, báo chí ngại đăng bài; thêm mất công đi lại, rồi hao tốn tiền tàu xe, vân vân nữa… Còn bạn,
Đồng tộc bạn bị oan khiên [Kut Boh Dana], bạn im lặng;
Mồ mả đồng hương bạn bị xâm hại [Ghur Bini], bạn nín thinh;
Đồng nghiệp bạn bị oan khuất [vụ Trường Nội trú Dân tộc], bạn ngậm miệng;
Bà con láng giềng bạn mất tích, bạn thì biệt tăm!
Vậy, bạn là gì đây? Hãy trả lời mình đi… Trong khi mình chưa hề trách bạn một tiếng về mấy nỗi im lặng đó!
Ở trường hợp này, biết/ giỏi/ tài kia để làm gì?
*
Ở Stt “Em học tiếng Cham: Phụlục9. Tại sao tôi giỏi tiếng Cham đến thế?”, tôi nêu 12 yếu tố dẫn đến cái giỏi – của tôi. Câu hỏi đặt ra: GIỎI ĐỂ LÀM GÌ?
[1]- khoe khoang ngạo mạn, rằng ta đây giỏi giang, đứng cao hơn người?
[2]- dùng giỏi đó kiếm cơm nuôi thân, nuôi vợ con?
[3]- hay để thỏa mãn lòng ham muốn BIẾT thuần túy?
Nếu [1] là tâm lí chung của quần chúng, [2] đẫm chất thực dụng, thì [3] ở cấp độ cao hơn: sự ham hiểu biết thuần túy của con người mang tính siêu hình học.
Nhìn ở phạm trù LUẬN, nếu một kẻ “giỏi tiếng Cham” biết:
– mang sự giỏi kia đến với đại bộ phận công chúng Cham, không phân biệt sang hèn, cao thấp;
– giảng giải nó bằng ngôn từ và phương pháp dễ hiểu nhất có thể;
– và không mong nhận về bất kì lợi lộc nào;
– nữa, nếu chúng sinh nhận thì mình vui – cảm ơn, còn nếu họ chối từ, mình cũng không vì nỗi ấy mà oán ghét;
Thì kẻ ấy đã ĐẠT ĐẠO bố thí ba-la-mật, ở mục [Pháp] thí ngôn từ.
Rạch ròi hơn:
– Biết về ngôn từ là cái biết căn bản nhất: “Ban đầu có LỜI”.
– Người cho VÔ TƯ, không đòi hỏi [tiền bạc, lời khen, tiếng tăm…]: Nói như Chúa: Khi tay mặt bạn đưa thì làm sao đừng cho tay trái biết.
– Người cho không ĐỨNG TRÊN người nhận: Bồ-tát hòa đồng với chúng sinh.
Liên hệ qua bên văn học.
Thường nhà phê bình với kẻ sáng tác hiếm khi ưa nhau. Kẻ sáng tác cho nhà phê bình là người ăn theo: Sáng tác đi trước phê bình. Cánh phê bình thì ngược lại, luôn phát ngôn ở tư thế bề trên: Nhà phê bình đứng cao hơn nhà văn nhà thơ.
Không ưa nhau là phải.
Tôi thì khác, tôi cho phê bình SONG HÀNH với sáng tạo. Không ai xoa đầu hay nâng đỡ ai, càng không có chuyện trước sau trên dưới, mà song hành. Song hành, nên mới có SONG THOẠI [với cái mới]. Chỉ sắm được tâm thế đó thôi, ta mới mong văn học Việt Nam thoát ra khỏi vùng trũng, vươn ra thế giới.