Đây không phải câu hỏi mang tính bỡn cợt, mà cực kì nghiêm túc.
Càng không phải hỏi theo lối ưỡn ngực khoe khoang [cỡ tuổi này rồi mà còn thế thì hết thuốc chữa; càng buồn cười hơn: tưởng chi ghê gớm, chớ giỏi tiếng Cham mà nhằm nhò gì!], mà là nêu sự thể – biết đâu các bạn trẻ rút ra được cái gì đó cho bản thân, của hôm nay.
Tạm kê ra 12 yếu tố:
1. Tôi sinh tại palei Chakleng, đất Rồng. Như mọi đứa bé Chakleng khác, tôi được con Rồng liếm. Đến phiên tôi, do trục trặc đâu đó – máy bị kẹt, Rồng không để ý cứ liếm tới. Thế là tôi dính nước miếng Rồng nhiều chỗ, đậm nhất là ngôn ngữ.
Tôi hưởng sái ĐỊA LINH này ở đó.
2. Ông ngoại tôi là thầy cao đạo, tác giả trường ca Ariya Rideh Apui; ông nội tôi thuộc bangxa Paxeh, tôi di truyền GIEN chữ nghĩa nhân đôi, là vậy.
3. Tôi HỌC tiếng/ chữ Cham từ rất sớm: 4 tuổi; thầy dạy chính là ông ngoại. Lớp Ba, thầy tiếng Cham tôi là Quảng Đại Hồng – thi sĩ dân gian chính hiệu.
4. Tôi học bằng ĐI. 2-4 tuổi, tôi sống lưỡng cư: palei Palao và palei Chakleng; 11 tuổi tôi đạp xe qua nhiều palei khác nhau bán cà-rem; vào Pô-Klong, tôi bắt đầu lang thang qua các palei Cham; sau này vào Ban Biên soạn tôi có nhiều dịp để đi nữa. Đi, mãi hôm nay còn đi…. Tiếng Cham tôi không phong phú mới lạ.
5. Tôi LÀM THƠ bằng tiếng mẹ đẻ từ năm 13-14 tuổi. Làm sớm và nhiều, qua đó tôi sở đắc được cái tế vi của từ với bao nỗi chữ nghĩa.
6. Tôi DẠY tiếng và chữ Cham sớm: 15 tuổi dạy chơi; đến 18 tuổi mới mở lớp tiếng Cham ở Chakleng dạy thiệt qua cuốn Tự học Tiếng Cham do mình biên soạn; sau đó xuống Phan Rang học lớp 12, tôi tiếp tục gõ đầu… các bạn.
7. Thuở còn ở quê, tôi tổ chức các cuộc “HỘI NGHỊ CHIẾU DÀI ciêu ridêh” mời các vị bô lão, trí thức về nói chuyện, pacoh xakarai với nhau. Mỗi vị có vốn riêng, họ phát ra, và tôi cứ việc thu nhặt.
8. 25 tuổi, vào BAN BIÊN SOẠN sách chữ Chăm, 4 năm – tôi học bộn chữ từ quý thầy, quý bác cao niên. Ở đó tôi còn có được khối thời gian rỗi dùi mài khoa ngôn ngữ học, để làm xong cuốn Từ vựng học tiếng Cham.
9. DỊCH ngàn trang văn bản cổ thuộc nhiều thể loại từ tiếng Cham sang tiếng Việt, dịch thơ hiện đại từ Việt sang Cham – cũng là cách tốt làm giàu ngôn ngữ.
10. SOẠN TỪ ĐIỂN, từ năm 18 tuổi – cho mình, sau đó cho anh em Cham ở Cao Đẳng; 35 tuổi, Đại học mời vào Sài Gòn soạn tiếp. Hết Cham Việt đến Việt Cham, rồi Việt Cham Dùng trong Nhà trường, và…
11. Tôi là NHÀ VĂN, viết văn làm thơ [tiếng Việt & Cham] và phê bình văn học, thường xuyên dùng từ thì phải bén. Thêm: tôi có ít vốn liếng tiếng Pháp, Anh, Sanskrit [lí thuyết] tiện cho so sánh cách nghĩ và cách diễn đạt khác nhau.
12. Cuối cùng, mới tới vụ CẦN CÙ. Thường kẻ thông minh hay làm biếng, tôi ngược lại – cực kì siêng năng. Tuổi tìm học chép ngàn trang bản thảo chữ Cham là chuyện nhỏ; 2 lần chép Từ điển Aymonier mới ghê. Không chỉ thế, về văn học, tôi còn làm hồ sơ 200 nhà thơ Việt với đầy đủ cứ liệu, rất kinh.
Ngay Kinh Thánh đã dịch xong, đọc lại thấy không sướng, tôi vứt đi và bắt đầu lại.
Và “EM HỌC TIẾNG CHAM” ở đây cũng là 1 cách để giỏi tiếng Cham.
Các bạn có ý kiến gì hay ho không nhỉ?!