22 năm làm chữ nghĩa, tôi được 20 giải thưởng các loại. Bởi vài nguyên do khác nhau, tôi chỉ 4 lần hiện diện. Có lần tôi nhờ bà xã đến nhận, có giải được phát ở quán ăn, có cái tôi nhận qua bưu điện, cũng có bận người ta mang đến tận nhà. Phong phú và đa dạng đáo để.
Nỗ lực của mình được bà con công nhận là điều vui. Về nỗi công nhận kia, có 3 vụ tôi nghe sướng, vì nghĩ nó xứng đáng. 1. Về sáng tác: Giải HNV & ĐNÁ dành cho tập thơ Lễ Tẩy Trần Tháng Tư, sướng – bởi tôi cho nó ít nhiều có sáng tạo. 2. Về nghiên cứu: Giải Phan Châu Trinh dành cho bộ Văn Học Cham cũng vậy, ở đó tôi đã diện trình với thế giới khuôn mặt văn học Cham khá chỉnh tề mà trước tôi chưa ai làm được. 3. Về phê bình: Giải Văn đoàn Độc lập cho 19 Hồ Sơ Biên Bản So Sánh khoái bởi cách nhìn mới về văn học. Chỉ tiếc là nó chưa vuông tròn, ví mà cả 40 biên bản được bày ra đủ đầy thì hay biết bao.
4 “diễn từ” [tạm kêu thế cho oai chút] thuộc 4 tổ chức khác nhau ở 4 thời điểm khác nhau thể hiện tâm thế khác nhau, nhưng ý hướng vẫn là một. Thử ngoảnh lại như cách ôn kỉ niệm buồn vui.
NĂM 1997: GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM cho Tháp Nắng (thơ & trường ca).
Ở đây tôi có “diễn từ” ngắn gọi là: “Sẽ không là tiếng chim lẻ loi”. Trích ý chính:
Trong nền văn học cổ điển Cham, hầu hết các sáng tác đều khuyết danh. Tác giả giấu mặt đi cho tác phẩm được hiện thể. Là truyền thống Cham. Nó kéo dài đến tận thời hiện đại…
Trước 1975, một vài khuôn mặt văn nghệ Cham có một số sáng tác đăng rải rác trên các báo, tạp chí ở Sài Gòn. Dẫu còn lẻ loi, mờ nhạt nhưng cần ghi nhận cố gắng hòa nhập của các cá nhân này vào đời sống văn chương tiếng Việt. Nhưng rồi một phần vì thời cuộc, phần nữa do gánh nặng con cái, những tiếng nói khiêm cung này cũng đã mất hút trong vòng xoáy áo cơm thường nhật. Và từ đó đến nay, người Cham im hơi lặng tiếng.
Hai mươi năm đi qua.
Trong hai mươi năm ấy, Tháp nắng dẫu vẫn lặng lẽ hoài thai nhưng chưa một lần hy vọng sẽ chào đời vào một ngày đẹp trời nào đó. Nhưng rồi nó cũng được in, như dạng nó đang có, nghĩa là bớt sần sùi đi, tươm tất hơn. Và may mắn đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng sẽ như là một khích lệ cá nhân tôi, một chất kích thích thôi thúc các cây bút Cham sáng tác và xuất hiện.
2. Năm 2005: GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC ĐÔNG NAM Á – Bangkok, cho Lễ Tẩy trần tháng Tư (thơ & trường ca).
Toàn văn:
Đất nước tôi có 54 dân tộc. Trong đó không ít dân tộc có nền văn học truyền thống độc đáo. Gần thế kỉ qua, các nhà văn dân tộc thiểu số sáng tác vừa tiếng tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng phổ thông (tiếng Việt). Các sáng tác rất được dư luận trong nước chúng tôi trân trọng, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hôm nay, tôi vinh dự đón nhận Giải thưởng quý giá này: phần thưởng dành cho nhà văn dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam.
Hơn thế nữa, tôi nghĩ đó còn là phần thưởng dành cho tình yêu và nỗ lực chung của thế hệ chúng tôi – thế hệ người viết xuất hiện trên văn đàn trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập. Các tác giả này còn khá trẻ. Nhưng chính họ đang vẽ nên nền văn chương Việt Nam đương đại đầy sức sống và đẫm chất nhân văn.
Có mặt trên diễn đàn này, điều tôi muốn nói là: trong thế giới hiện đại, các dòng văn chương được xem là ngoại vi vẫn có chỗ đứng đặc biệt, chúng làm phong phú văn chương Việt Nam đa dân tộc trong nền văn chương khối cộng đồng các nước Đông Nam Á. Điều đó thể hiện sự khẳng định mình, đồng thời một tinh thần hội nhập lớn – chắc chắn thế.
3. Năm 2009: GIẢI THƯỞNG PHAN CHÂU TRINH [về Nghiên cứu]
“Diễn từ” có tên: “Giải thưởng dành cho sự khác lạ”. Đây là đoạn cuối:
Một chàng trai nhà quê khởi đầu cuộc đi vào lòng văn hóa dân tộc “từ bàn chân trần trắng, từ con số không, từ con số âm – có lẽ”. Không miếng tư liệu, không mảnh bằng, túi rỗng không, còn mục tiêu thì xa hun hút. Hơn nửa đời hư, chàng trai ấy hôm nay đứng ở diễn đàn này để nhận phần thưởng cao quý từ quý vị. Tôi nghĩ phần thưởng không chỉ dành cho cá nhân tôi với vài thành tích khiêm tốn đạt được mà hơn thế, nó còn là tiếng nói khích lệ các thế hệ sắp tới. Bằng tri thức mới, nhiệt tâm và nỗ lực mới, họ sẽ đi những bước đi mới, không kém trắc trở và gian nan, với hi vọng làm sống dậy nền văn hóa văn minh kia, như là một cách bảo tồn bản sắc dân tộc, góp phần vào đa dạng hóa nền văn hóa Việt Nam, rộng hơn – văn hóa nhân loại.
4. Năm 2015: GIẢI THƯỞNG VANVIET [về Phê bình]
Có tên: “Hành trình Phê bình Lập biên bản”. Trích:
Phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau, nhưng nhìn tổng thể ở Việt Nam hai loại phê bình phổ biến hơn cả, và được đặt cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ.
Phê bình hàn lâm vẫn nảy ra vài cây bút tài hoa, họ vận dụng lí thuyết mới vào cuộc, và có được các công trình quan trọng. Dẫu sao, điểm dễ nhận hơn cả ở khu vực này là đa phần đối tượng được chọn để phê bình do tính an toàn của nó. Văn chương phi chính thống hầu như bị bỏ rơi. Phê bình Lập biên bản ra đời bổ khuyết cho thiếu sót đó.
Còn phê bình nghệ sĩ cũng biết dấn vào cuộc phiêu lưu riêng mình, từ đó có vài phát hiện đáng kể. Tuy nhiên, phiêu đến đâu cũng cứ tùy hứng và tùy tiện, do đó đại bộ phận nhận định vô bằng. Phê bình rời xa văn bản, để tán, về mấy chuyện ngoài lề, chuyện riêng tư với mớ giai thoại lắm khi rất nhảm. Phê bình Lập biên bản ra đời hi vọng cắt đứt mấy nỗi ấy.
Nó ý hướng kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó thao tác của nó đầy tính khoa học; bên cạnh nó quyết giải trừ tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học.
Đích thị là một thứ đa nguyên văn học. Ý hướng ấy, việc làm ấy diễn ra mươi năm qua.
Nó bình tĩnh nhận lấy sự chống đối, mỉa mai, hay đồng thuận của bạn văn đây đó. Nó cũng được vài cơ quan, tổ chức ghi nhận bằng giải thưởng, ở đây ở kia. Tôi vui vẻ nhận, và nói lời cảm ơn.