13. Sáng tạo để làm giàu (tặng Đinh Bá Truyền, Amuchandra Luu đọc vui)
[… Nếu một dân tộc mà ở đó kẻ Sáng tạo biết tôn trọng người Bảo tồn, ngược lại phía giữ Truyền thống biết trân quý kẻ dám đi tìm cái Mới, thì dân tộc đó được phúc lớn.
Xem thêm: “Hóa giải & hòa giải 3 loài thơ hôm nay”, 3-2009]
Hôm 17-10, bạn FB trẻ Jabaol Campa trích văn từ trang FB:
“Chăm bảo tồn còn chưa xong, mà sáng tạo với sáng chế làm gì?”
Nguyên văn ấy, về logic hình thức thì đúng: Cham có quá nhiều thứ để bảo tồn, trong khi tài sức Cham chả có là bao, lo bảo tồn chưa xong nói chi sáng tạo!
Thế nhưng thực tiễn vận động đời sống thì hoàn toàn khác.
Từ miền văn học, tôi đã suy tư nhiều về khía cạnh này, nay “nhân” nhận định trên, thử phân tích qua đối chứng với vài thực tế xã hội Cham, biết đâu giúp các bạn nhìn vấn đề rõ hơn, đồng thời góp lời GIÚP CHAM LÀM GIÀU BẰNG SÁNG TẠO.
1. Ở Stt “Katê, kể chuyện vui-03” sáng nay, tôi viết đại ý:
“Cũ & mới [hay truyền thống & hiện đại] là chuyện muôn đời của nhân loại…
Ba bộ phận: Bộ phận Bảo tồn truyền thống, bộ phận Tiếp nhận truyền thống để làm mới, và bộ phận Làm mới hoàn toàn. Bộ ba này tồn tại tam hành ở bất kì cộng đồng lớn nhỏ nào, từ Hoa Kỳ cho chí Cham. Không thể hô lên một tiếng là tất tần tật Giữ truyền thống, mọi mọi Cách tân, hay kẻ kẻ đi Khai phá.”
2. Xã hội Cham cũng không khác. Có Bảo tồn, có Cách tân, có Sáng tạo.
Cuối tk XIX người Cham khốn đốn thể nào ai cũng biết, vậy mà ở đó bật ra 2 trường ca trữ tình: Ariya Kei Ôy và Ariya Mưyut, chẳng Sáng tạo là gì?
Trước 1975, cộng đồng Cham bé tẻo teo, mà – riêng về văn nghệ cũng đã nẩy nòi 2 nhân vật Sáng tạo sáng giá: Chế Linh và Từ Công Phụng.
Sau 75, thử nêu 4 trường hợp:
+ Gốm Bàu Trúc, bà con vẫn bảo tồn truyền thống [đất sét, cách nung], nhưng đã rất Sáng tạo ở mẫu mã. Đó là do công lớn của nhà thiết kế Sĩ Hoàng giữa thập niên 1990. Thời điểm anh mới mang nó vào làng Cham, có vài “trí thức” chống đối, nhưng rồi không thể: Bà con gần như không làm mẫu mã cũ nữa, mà Mới, mới hơn nhiều lần Sĩ Hoàng. Và người Bàu Trúc khấm khá! Ai có thể xoay ngược lịch sử?
+ Thổ cẩm Chakleng, Cty Inrahani là điển hình, ở đó:
Truyền thống vẫn được bảo tồn: Sưu tầm hoa văn trong dân và tận Pháp, từ đó Sáng tạo: Từ mẫu mã cho đến cách tổ chức, từ tiếp thị cho đến phân phối… (tôi đã nêu 7 cái “đầu tiên” của Cty này ở bài trước). Ở đó nhà tạo mẫu thời trang Minh Hạnh đã góp công sức đáng kể. Và dân Chakleng giàu lên!
Riêng mục Sáng chế, vì không theo dõi, nên tôi không biết các kĩ sư Cham có gì mới không, riêng Bàu Trúc, anh Đoan đã học kiểu lò nung gốm của người Việt áp dụng cho Bàu Trúc, và thất bại.
Còn Chakleng, năm 1998, tôi và Hani ra Hà Đông học tập máy dệt của họ, vào Sài Gòn cùng anh Phúc thiết kế máy dệt bán công nghiệp cho thổ cẩm Cham, và thành công lớn. Đó không phải Sáng chế đúng nghĩa, dẫu sao cũng là cách vận dụng và cải tạo cái “ngoại lai” thích hợp với truyền thống Cham.
+ Phần cá nhân. Họa sĩ Đàng Năng Thọ, có ai bảo/ buộc anh bảo tồn truyền thống đâu, anh có năng lực Sáng tạo, anh làm: và mọi người nhận anh là nhà Sáng tạo. Anh vẽ sơn dầu chỉ có nội dung đề tài là liên quan đến Cham, còn lại hoàn toàn “ngoại lai”. Sau đó anh nặn tượng bằng gốm: đầy sáng tạo!
Tôi đã nêu ý này một lần từ 15 năm trước. Khi nhìn thấy tập phác họa của anh, tôi kêu lên: Nếu anh thực hiện hết ý tưởng này, anh sẽ là Thiên tài! Đến hôm nay, anh mới làm được một nửa, nghĩa là kẻ Sáng tạo Tài năng.
+ Cá nhân Inrasara: Tôi khác bạn đồng môn trên, là vừa Bảo tồn truyền thống [qua tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật văn học Cham], vừa là kẻ Tiếp hiện, đồng thời Sáng tạo. Tạm nêu riêng thể loại thơ:
Về thơ tiếng Việt, hãy để cho người Việt bàn, chỉ xin nhắc: Chớ bảo rằng Cham viết văn làm thơ bằng tiếng Việt là không sáng tạo. Việt kiều Mỹ chỉ viết tiếng Việt, viết cả hai, hay viết thuần tiếng Anh – vẫn là kẻ Sáng tạo.
Riêng thơ tiếng Cham của tôi: – Năm lớp 9 tôi đã có bài thơ tiếng Cham đầu tiên đăng báo tường, – Năm 1975 18 tuổi tôi viết 2 trường ca phục vụ dạy lớp tiếng Cham ở Chakleng, – Năm 1977 20 tuổi tôi có bài thơ “Jalan Tal Vijaya” làm tựa cho đặc san sinh viên Cham, – Năm 1980 thầy Hồng lấy thơ tôi dạy Bổ túc tiếng Cham, – Năm 1997, tôi in thơ song ngữ Cham Việt: Sinh Nhật Cây Xương Rồng, – Năm 2015, tôi có tập thơ thuần tiếng Cham: Thơ Ba Anh Em.
Tôi viết bằng cảm quan khác, cách biểu hiện khác, nhất là hầu hết bằng thể thơ tự do, nghĩa là khác hẳn với truyền thống thơ Cham. Tiếc là Cham không có nhà phê bình đánh giá chúng.
Kết.
Trong một cộng đồng, 3 bộ phận: Bảo tồn truyền thống, Tiếp nhận truyền thống để làm mới, và Làm mới hoàn toàn, cùng tồn tại.
Xem xét chúng chống nhau để triệt hạ nhau hay đối kháng để phát triển – ta có thể nhận diện tương lai một dân tộc [hay một nền văn học] tươi sáng hay mờ mịt. Tất cả tùy ở tâm cảm cộng đồng ứng xử với bộ ba ấy ra sao. Nếu ở cộng đồng đó, kẻ Sáng tạo biết tôn trọng người Bảo tồn, ngược lại phía giữ Truyền thống biết trân quý kẻ dám đi tìm cái Mới, thì dân tộc đó được phúc lớn.
Thường thì thế hệ lớn tuổi với đầu óc “đã đầy” khó tiếp nhận cái Mới, tuy thế cánh trẻ chưa hẳn thoát khỏi tâm thế này: vẫn muốn bám cái Cũ, nhất là khi cái Mới sinh ra trong một đất nước/ một cộng đồng chưa sẵn sàng cho tự do tư tưởng và Sáng tạo.”
Sinh hoạt văn chương Việt, bị ma sát giữa trận đồ đó, ở đầu năm 2009, tôi đã thử làm cuộc: “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ Việt hôm nay”. Qua Bàn tròn Văn chương, tôi phần nào làm được [hóa giải & hòa giải] cho một mảnh sinh hoạt văn học VN [ảo tưởng thế!], còn với Cham – tôi có thể không?
Sài Gòn, Kate 19-10- 2017