ẢO TƯỞNG SÁNG TẠO
Cả năm nay tôi bị bế tắc sáng tạo, bế tắc toàn phần.
Từ nhập cuộc chữ nghĩa, tôi không ngờ có ngày mình bị đẩy vào tình trạng như thế. 20 năm, bế tắc sáng tác, tôi chuyển qua nghiên cứu; nghiên cứu oải [tôi có mênh mông đề tài] tôi chuyển hệ phê bình. Nghĩa là luôn có việc để làm, và làm khá được.
Bất kì hoàn cảnh nào, tôi cũng có thể vận dụng châm ngôn Henri Miller: Khi không thể sáng tạo, bạn vẫn có thể làm việc.
Lúc này, tôi không còn có thể nữa.
Bạn văn của tôi ngược lại, chưa hề biết đến bế tắc sáng tạo. Thời chưa internet, anh luôn có 3-4 bản thảo tư thế sẵn sàng đưa vào nhà in, khi đủ điều kiện. Thây kệ nó bán được hay không, mặc kệ chẳng nhà phê bình nào đoái hoài đến nó. Khi văn chương mạng ra đời, viết xong cuốn nào anh đưa lên mạng thông tin toàn cầu cuốn nấy! Đều đặn, 2-3 tác phẩm mỗi năm. Trang cuối tác phẩm luôn ghi trang trọng ngày tháng khởi viết… tại… Bản thảo hoàn thành lúc… giờ… ngày… tháng… năm. Tự tin đáng nể.
Người viết chưa hề biết đến bế tắc sáng tạo, thì không bao giờ có thể sáng tạo! Phi lí vậy đó. Anh bạn văn của tôi ở trường hợp kia. Hệ quả là vài chục tác phẩm cứ na ná nhau. Như là một nối tiếp, một thêm vào.
Hôm nay tôi rơi vào bế tắc. không phải bế tắc để sáng tạo, mà bế tắc toàn phần.
Nghiên cứu, cứ là vô vị. Dù lúc này tôi có đến mươi bản thảo dở dang, chỉ cần trang hoàng mông má thêm tí là xong. Mà sao nghe nó cứ là vô vị.
Thơ, tôi có 3 bản thảo rất ổn, và còn có thể cựa quậy được. Nhưng chán!
Tiểu thuyết, tôi sở hữu bạt ngàn chuyện để kể. Tính về quê, kể. Thế rồi bỗng dưng không còn thấy hứng nữa.
Xưa, câu hỏi đặt ra với nhà văn là mình có tài hay không, nay nhà văn nghi ngờ là nghi ngờ chính thông điệp ngôn từ của mình; hơn nữa – chính nghề viết của mình.
Ý này Camus đã nói, tôi cũng hiểu nó từ rất sớm. Vậy mà mình bị rớt vào. Mới tệ!
Giải ảo 8. HOÀI BÃO KHẤT LẠI
[chuyện cha con]
Tôi gặp không ít vị Cham kêu: Lo ổn định kinh tế trước đã, sau đó làm văn hóa. Thế nào là ổn định, và ổn định tới đâu là đủ – mù mờ vậy thôi. Rốt cùng đến hết đời chả thấy đâu làm… văn hóa.
Nữa, vị khác: Đời mình chắc không xong rồi, thôi thì để con cháu mình làm. Nhưng đời con cái thôi đã nghĩ khác mình, nói chi là cháu chắt chút chít.
Hoài bão khất lại này chỉ là thứ ảo tưởng tự đánh lừa, nhằm che giấu nỗi bất tài không hơn.
Chuyện tôi.
Năm năm trước, nhóm bạn văn Hà Nội vào Phan Rang tạt qua Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani ở quê đã rất thú vị về bộ sưu tầm sách cổ Cham trưng bày, cả tủ riêng công trình Inrasara kèm những luận án, luận văn các thứ về sáng tác của tôi cùng nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nữa.
Nay, Jaya trưng dụng khu 2 làm Showroom, chiếc xe trâu thì Jaka dắt đi qua Thang Tông từ vài năm trước, Nhà trưng bày chánh gốc không tăng thêm mà đã phần nào mất đi sinh khí ban đầu.
Ở quê là vậy, Sài Gòn thì sao? Năm ngoái, một bạn thơ từ Bắc ghé tôi, mở to mắt ngạc nhiên. Ui, sao nhà trống trơn thế. Chả có miếng nào gọi là phòng văn của một nhà thơ nổi tiếng với nhà nghiên cứu tầm cỡ cả. Có mỗi ba tủ sách to tổ chảng đứng chình ình. Bàn làm việc – không; bộ salon – cũng không, thay vào đó là chiếc chiếu trải sàn nhà mời khách; phòng trưng bày tác phẩm cùng vô số thành tích của mình – càng không.
À, vụ này từ mươi năm trước tôi có noi gương sáng các bạn văn [nổi tiếng] cũng có bày biện khá bài bản, nhưng “rồi ngày qua đi qua đi qua đi” bà xã chất đống thổ cẩm lấn đài. Cuối cùng nó bị dẹp rất… đẹp.
Chuyện kể muốn nói lên một ý nhỏ, mà không sai: Các bạn chớ mơ chuyển giao hoài bão mình cho con cái. Sara mới mất 30% là còn may, chứ ông bạn văn tôi mới tội.
“Bà vợ với hai đứa con mình chả biết mình làm gì ông ơi. Mình in bao nhiêu cuốn chúng còn không biết nói chi đến cầm lên đọc.” Cha làm thầy con bán sách, bạn tôi kêu! Bạn văn ấy than vậy, chứ bạn khác nghĩ thế là may to với một kẻ sáng tạo.
Sáng tác thì vậy, ở đây tôi muốn nhấn khía cạnh nghiên cứu, nhất là văn chương ngôn ngữ Cham. Nó là một truyền thống nguy cơ thất truyền, gia đình mà không ai trân trọng nó, và thế hệ thiếu kẻ tiếp nhận và tiếp lửa thì coi như mùa màng mất trắng.