[tặng anh Ysa Cosiem]
I. Khẳng định bản sắc là vấn đề sống còn của mỗi dân tộc, vùng miền, thậm chí ở ngay cả một địa phương nhỏ hẹp nhất: làng xóm. Từ việc thờ thần, cho đến lễ hội, hay cái cụ thể nhất, là ngôn ngữ. Càng khác biệt, càng đặc trưng, càng đậm đà bản sắc thì càng lộ rõ cá tính sáng tạo của một cộng đồng, dân tộc.
Cham trong việc sử dụng ngôn từ là cực kì.
Mượn Sanskrit/ Pali, Cham không giữ nguyên xi, mà chế biến đến dân Ấn nguyên gốc không thể nhận ra.
Prthivi = prettarabi, prettik: trái đất, Panduranga = Panrāng, Paccima = pai…
Karpasa = kapah, Nagara = nưgar, Manusia = mưnôsak, mưnus…
Bala = bôl, Phala = phôl, Kala = kal, Akhara = akhar…
Ngay vốn từ cùng ngữ hệ Nam đảo, Cham cũng cố ý tách xa chừng nào tốt chừng nấy. Sự thể thể hiện ngay trong Từ điển Aymonier (1906), nghĩa là đã diễn ra từ trước đó.
Nam đảo/ Cham: A chuyển thành I, U/A, O/U, A/Ư, D/T, B/P… trong đó mạnh nhất là A chuyển thành Ư.
Malam = mưlam, Mata = Mưta, Lima = limư, Lemak = limưk, Pinang = panưng… đến nỗi người Cham đã phải sáng tạo ra 4 CHỮ CÁI MỚI thêm vào bảng chữ cái vốn có: NGƯ, NHƯK, NƯK, MƯK.
Ví dụ khác: Putau = patau, Kubau = kabau, Kura = kara, Gulam = galam…
Batuk = patuk, Tangan = tangin, Kaki = takai, Dikit = takik, Orang = urāng…
Nghĩa là Cham tìm đủ cách để… KHÁC với Malaysia, Indonesia…
II. Riêng phương ngữ, nhìn qua tiếng Việt, chuyện Bắc Nam có nhiều khác biệt. Đó cũng là cách tự khẳng định mình, qua đó làm phong phú ngôn ngữ dân tộc.
Bắc/ Nam:
1. Từ cụ thể: ngô/ bắp, ô/ dù, bố/ ba, ô-tô/ xe hơi, lọ/ chai, bắc/ phà, lạc/ đậu phộng, gươm/ kiếm, bánh đa/ bánh tráng…
2. Từ không cụ thể: gầy/ ốm, béo/ mập, muộn/ trễ, mang thai/ có chửa, bơi/ lội, chửi/ mắng, thắng/ phanh…
III. Tiếng Chăm cũng không khác.
Đông/ Tây: Đôm/ mưyai, Buy/ sabai, Nao tao/ nao halei…
Có 2 nguyên do:
1. Hai bộ phận Cham sống cách xa nhau (hơn 500km) qua khoảng thời gian khá dài (2 thế kỉ), họ tiếp nhận ngôn ngữ hai dân tộc khác nhau (Cham Đông: Việt, Cham Tây: Khmer), thì ngôn ngữ khác là điều không lạ.
Ví dụ “sabai”, “mưyai” là từ Cham Tây vay mượn tiếng Khmer.
2. Tâm lí tạo khác biệt cũng là yếu tố cần xét đến, vì “sabai”, “mưyai” là vốn từ Cham chung có sẵn, như đã dẫn ra ở trên. Nếu bảo Cham Tây tránh nói “buy” vì chữ này đồng âm với “pabuy” (con heo), vậy tại sao phải mượn “mưyai”?
Thử phân tích 2 “từ”: NÓI & GẶP.
– “Nói”, Cham có mấy từ sau: đôm, laic, mưyai, pôic.
Động từ “pôic” (nói), tạo nên danh từ “panôic” (lời nói) [tạo từ bằng kết hợp với trung tố N]. Từ “pôic” nguyên nghĩa là “nói”, sau này Cham Đông dùng theo nghĩa “chửi, la”; còn “đôm”, “lāic” được dùng cho nghĩa “nói”.
– “Gặp” có 3 từ: “gōk”, “pap”, “tōm”. Cả 3 từ đều mang nghĩa “gặp”, nhưng giữa chúng có vài khác biệt nhất định.
“Gōk” thường dùng cho sự tình cờ, hay một bên đến gặp bên khác.
“Tōm” thường dùng cho hai bên cùng đến “gặp”. Ở đây Cham có từ tạo sinh: PAtōm: gom lại [PA + TŌM].
“Pap” là từ có mặt trong Akayet Dewa Mưnô mang nghĩa “giáp mặt”, “đụng độ”; trong Ariya Glang Anak có nghĩa: đến “gặp”.