Đọc Song tử, tập thơ của Như Quỳnh de Prelle, NXB Thuận Hóa, 2017.
1. Song tử là thơ của chuyện kể, kể những câu chuyện riêng tư, của mình và những sinh linh xung quanh mình. Như thứ nhật kí nội tâm, bằng thơ. Bài thơ khởi đầu bằng chi tiết vặt vãnh: kí ức, hành vi hay ước mơ vặt vãnh. Trong ngày:
Buổi sáng thứ 7 của tuần đầu tiên tháng 7
tôi đi chợ tươi ngoài trời
(“Thứ 7 của tháng 7”)
Một buổi sáng thức dậy
nàng muốn được ăn cả vạn vật trên thế giới
(“Nàng thơ”)
Một buổi chiều thứ 7, mọi thứ xếp gọn lại…
(“Những đốt ngón tay rời nhau”
Hay trong mùa:
mùa xuân muộn màng
những cơn mưa không vội ngớt của tháng 6
Paris ngập trong nước
(“Thư tháng 6”)
Cây mận bị sâu từ nhiều năm trước
hoa nở vào mùa xuân và quả chín vào mùa cuối hạ
(“Bài thơ viết trong vườn”)
trong cái lạnh lẽo của mùa hè tháng 7
nàng bước ra dưới cái nắng hiếm hoi của xứ sở ôn đới hiền hoà
(“Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng”)
Song tử bắt đầu bài thơ với những câu thơ đầu tiên theo cùng thể cách ấy. Ở rất nhiều bài thơ. Môi giới cho một chuyện kể. Chuyện kể lắm lúc không đầu không cuối, không cốt truyện rõ ràng, mà chỉ như các ghi nhận từ những quan sát vụn, những tâm trạng thoáng qua, hoặc những kỉ niệm để lại vết sẹo: Nỗi buồn tháng 4, tuyệt vọng tháng 5, niệm sinh tháng 7. Cứ thế…
Thế nhưng chính những quan sát vụn, những tâm trạng thoáng qua kia chứng nhận cho hiện hữu của cá nhân con người, làm nên ý nghĩa của vô nghĩa trong dằng dặc thời gian này.
Có những lúc như một người điên
(“Hiện sinh”)
Có lúc sự phản bội là một nụ cười
như bông hoa đang tươi cúi gập mình xuống
(“Phản bội”)
có lúc cô ấy gào thét trong im lặng trong bóng đêm trùng trùng
sự bộn bề của các đồ vật xung quanh
(“Mặt trời dưới bóng olive già”)
Những chi tiết như thể ngẫu nhiên ấy, tạo nên vết sẹo của kí ức để làm thành thơ ca, loài thơ không “sinh ra từ những cuộc phẫu thuật thẩm mĩ”. Chính là loài thơ ban ý nghĩa cho vô nghĩa của cuộc hiện sinh của con người trên mặt đất.
2. Mặc dù thành tựu của thơ ca luôn khởi động bằng khai phá về mặt kĩ thuật, nhưng ở thời hậu hiện đại, khi tất cả cái mới đã bị khai thác cạn kiệt, một nhà thơ biết tái khám phá đời thường của chính mình hứa hẹn sẽ có thành tựu.
Như Như Quỳnh với Song tử đã.
Bởi mỗi cá thể con người như thể được Thượng đế đúc cho cái khuôn, tạc xong, Ngài đập bỏ cái khuôn đi. Để mỗi sinh thể kia được là độc nhất vô nhị.
Như Quỳnh đã biết nhìn vào sinh hoạt của xung quanh, và của đời thường mình, quan sát mỗi động tĩnh vi tế nhất nảy ra từ thẳm sâu tâm hồn mình, qua đó kĩ thuật thơ trào ra tự nhiên như nhiên.
Với những mùi, những màu trong những mùa của cuộc sống tưởng như bình thường nhưng luôn đựng chứa đầy cái lạ thường không ngờ.
buổi chiều mùa xuân không còn nắng nữa
cơn mưa vội vàng
(“Tuyệt vọng tháng 5”)
Mùa hè năm ấy anh không còn những nụ cười nhẹ nhõm
thay vào sự lặng im lặng im
(“Thư mùa hè”)
Mùa đông còn lại trên chiếc khăn choàng của em
(“Mùa đông còn lại”)
Mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông… Mùa ở đây không còn là mùa của thời khắc bốn mùa trong năm, mà mùa đông cũ, mùa cuối hạ, mùa hè trống vắng, mùa hè rất muộn, mùa xuân muộn màng… rồi mùa tình, mùa yêu, mùa hoa, mùa tuyết cạn, mùa sinh sôi, mùa giao thoa, mùa trận mạc… hay hoa cuối mùa, người đàn bà giao mùa…
Giữa mênh mông mùa ấy, Như Quỳnh cảm nhận bạt ngàn mùi lạ lẫm: mùi của hôi tanh quyền thế, mùi của khát khao yếu mềm, mùi của giả vờ dối trá, mùi của thắng thua thí tốt, mùi của tài hoa bạc nhược, mùi của đớn đau buồn chán, mùi của máy móc và thông tin, mùi Tàu, cho đến tận mùi của tận thế.
Và cả bát ngát màu nữa…
Tôi chưa từng thấy tập thơ nào đậm và dày màu như ở Song tử.
Màu vừa là màu cụ thể, có thể nhận mặt và gọi tên: màu đỏ, màu bạc, màu rêu, màu son, màu nâu, màu cam, màu hồng tím, màu nâu sẫm, màu xanh ngát, màu xanh biếc, màu xanh tím, màu xanh thẳm, màu xanh tro, màu xanh lục diệp, màu da cam, màu đổi màu…
Màu còn là màu được đặt cạnh đối thể chợt thấy hay được nhìn qua góc khuất của kí ức: màu ánh trăng, màu mây, màu nước mắt, màu rêu xanh, màu men của gốm, màu đỏ của máu, màu tím của những vết thâm, màu lạnh của nước mắt, màu mắt cá vỡ, màu xanh của mùa hạ, vầng mây màu lông chuột xám, màu bàng bạc sắp sang thu…
Hơn thế, màu cũng là màu tượng trưng, hình thành từ tâm trạng thi nhân vô thường và nhiều bất trắc. Từ màu yêu năm này, màu hạnh phúc, màu của sự sống, màu xanh hy vọng, màu xanh định mệnh, cho đến màu lông cũ, màu của sẹo, màu xanh của thẳm sâu, màu hận tím thâm sì, màu phù phiếm, màu mắt vỡ tung…
Cả màu không màu cũng được nhà thơ tạo ra để nói lên điều không thể diễn đạt được bằng thứ ngôn từ dùng tiêu pha trong sinh hoạt đời thường: khoảng trống khác màu, giọt nước mắt không màu, cuộc hẹn không màu, đôi mắt trống/ buồn/ như không màu, là thứ màu vô tri, bí mật của màu đêm, toang hoác màu của đêm diệu vợi…
3. Đậm đặc mùi qua bát ngát màu giữa bạt ngàn mùa trong nỗi riêng chung ấy đã tạo cho không khí thơ Song tử có mặt đồng lúc cái ngột ngạt tù túng của sinh hoạt con người hiện đại lẫn sự khoảng khoát mở mênh của vô cùng vũ trụ, nỗi tối đen của tuyệt vọng lẫn màu trong xanh của hi vọng. Chắc nịch:
Giữa những ngổn ngang
tôi nhìn thấy mặt trời
Giữa những đổ vỡ
tôi nhìn thấy bông hoa
Giữa những mơ hồ
tôi nhìn thấy sự thật
…
Giữa những nát tan
tôi nhìn thấy sự hàn gắn
trên đôi môi
trong trái tim ngập tràn nắng
Tại sao không?!
Sài Gòn, 5-4-2017