Nguyễn: INRASARA PHỤC DỰNG NHỮNG BIỂU TƯỢNG THẤT TRUYỀN

Mấy bữa ni tôi có đụng phải chuyện hơi buồn [cười], tạm đăng bài này để giải trí, cho mình và bà con. Nguyễn là người quen biết, trước đây, là bạn đọc trung thành của web Inrasara.com, anh ưa còm dài và kĩ, trong đó có vài bài đọc rất được, tôi xin anh đăng vào trang chính. Nay anh viết bài này về… tôi, và nhờ chơi trên FB cho có dư luận.

*
I. Những người nổi tiếng đã viết rất nhiều về ông. Tôi đọc đến trăm bài nghiên cứu, đọc luôn cả chục luận văn Thạc sĩ, còn các nhà báo tán tụng ông thì vô số. Bởi thế cho nên tôi biết sẽ có người cho tôi viết thêm là thừa. Tôi cho rằng mình không thừa, nên tôi quyết định chấp bút.
Ca tụng ông đã lắm; đâu đó cũng có người toan vùi giập ông. Dẫu có chê hay khen tất cả họ đều đồng ý với nhau ở điểm: Tầm vóc ông vươn ra khỏi dân tộc Chăm, vượt ra ngoài biên cương Việt Nam. Nhưng dù sao họ viết vẫn lập lại nhau mà bỏ lơ đi một khía cạnh mà tôi cho là độc đáo nhất của ông.
Luận văn Thạc sĩ hay nhất về ông là của cô Lê Việt Hà không với tới nó; còn luận văn của cô Hạnh Thủy có nhắc đến vẫn còn rất sơ lược. Bài nghiên cứu của ông Lê Hồ Quang về ông đáng giá nhất mới đăng trên Văn đoàn Việt cách nay 2 tháng cũng không thấy nhắc tới điều tôi sắp nói. Nên tôi dám chắc điều của mình viết ra không thừa.
Tôi sẽ đi ngay vào vấn đề, vấn đề mà chính ông đang bàn từ hai tháng qua bản thân tôi theo dõi rất hào hứng.

II. Tôi không kể những biểu tượng thất truyền của dân tộc Chăm như Trường Pô Klong, Trung tâm Văn hóa Chàm, Ban Biên soạn sách chữ Chăm, hay là Huyện An Phước. Tôi bàn về những điều ít được biết đến. Trước hết là những biểu tượng cũ được ông phục dựng lại bằng hình tượng mới bởi cách nhìn rất mới mẻ của ông.
THÁP CHĂM được ông đưa vào văn chương không còn như hồi Chế Lan Viên nữa mà bằng con mắt rất Inrasara: Ta có Tháp nắng, Tháp hoang, Tháp lạnh, Tháp Chăm muôn mặt muôn hình muôn vẻ. Ông viết rất nhiều bài thơ về tháp, nhưng người đọc không thấy chán cũng bởi lý do đó.
MA HỜI của ông cũng khác hẳn Ma Hời Chăm của nhà thơ họ Chế nói đến. Đó là Ma Hời của chính Inrasara. Ông có bài thơ Ma Hời bằng thể thơ tân hình thức được dịch ra tiếng Anh. Ông có nguyên cả chương “Ma Hời” trong tiểu thuyết Hàng Mã Kí Ức. Tiếp theo là Ma Hời xuất hiện nhiều lần qua trang văn của ông. Ông có khả năng khiến cho độc giả nhìn Ma Hời theo kiểu ông.
CHAKLENG làng của ông ai cũng biết đó là làng duy nhất có tên trên bia đá Chămpa cổ, tuy vậy chính ông đã làm nó sống thực để thế giới biết đến tiếng “Chakleng” nhiều hơn, và nhiều hơn nữa.
Tôi cho đó là cách ông làm mới biểu tượng cũ rất tuyệt vời.

III. Còn biểu tượng mới, SÔNG LU, trước đây có ai biết nó là gì đâu! Vậy mà ông đã làm như thể con sông đó ghê gớm lắm. Các bài thơ “Sông Lu và tôi”, “Sông Lu cùng tôi thức đêm nay”, và nhất là bài thơ tân hình thức tuyệt hay mang tên “Sông Lu” được hai lần dịch ra tiếng Anh. Tôi còn thấy “Sông Lu” chảy khắp trang văn của ông nữa. “Sông Lu” từ chỗ vô danh được nâng lên tầm vóc cao vời như thế thì chỉ có nhà văn thật tài năng mới làm được.
ARIYA GLƠNG ANAK là tác phẩm cổ cũng đâu phải được nhiều người biết, ngoài mấy ông già Chăm thuộc thế hệ xa xưa. Vậy mà ông biết cách nâng nó lên thành biểu tượng lớn qua thơ văn, nghiên cứu và dịch thuật của ông. Ông còn có cách giải thích đặc biệt về tác phẩm này nữa, ví dụ bài “Tinh thần giải sân hận của Ariya Glơng Anak” thì chỉ có ông mới làm nổi.
Ngay một nhân vật vô danh như ÔNG PHOK, ông cũng dành ra rất nhiều trang viết để biện giải hiện tượng mà ông cho là “nhà Yogi cuối cùng” của Chăm này. Ông nói riết rồi người ta cũng tin ông. Vì sao? Đơn giản, bởi ông viết quá hay, quá thuyết phục.

IV. Cuối cùng tôi muốn nói đến điều ông lên tiếng về chuyện xã hội cộng đồng Chăm hiện nay đã khiến cho thế giới chú ý hơn đến dân tộc Chăm của ông.
Liên quan đến Dự án Điện hạt nhân, người Đức xưa nay chưa hề biết Chăm ở đâu, nay giật mình hiểu là trên thế giới có dân tộc Chăm còn hiện hữu. Người Nhật qua sự kiện này biết đến đời sống Chăm cụ thể hơn, họ chú ý nhiều hơn đến cộng đồng Chăm. Còn dân Pháp lâu nay chỉ lo nghiên cứu văn hóa Chăm, nay mới quan tâm đến sinh mạng của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận.
Đó là nhờ tác phẩm của ông, các bài nghiên cứu và bài trả lời phỏng vấn của ông đăng trên báo chí lớn ở nước ngoài được dịch ra vài thứ tiếng. Những điều đó góp công rất lớn vào việc gây chú ý của họ về dân tộc Chăm.
Còn GHUR DARAK NEH, ngay cả nhiều người Chăm có học còn viết sai chính tả tên nó, nhiều người còn không biết nghĩa trang đó ở đâu, vậy mà chỉ qua 2 năm, hầu hết người Chăm đều biết đến Ghur. Ông trả lời phỏng vấn trên Đài Á châu Tự do, rồi ông viết bài đăng báo trong nước, và các thảo luận mà ông mở ra trên mạng internet của mình đã làm được điều vô cùng cần thiết đó. Đến lúc này, tên Ghur Darak Neh không còn lạ gì với tất cả người Chăm nữa.

Tóm lại, ông đã gầy dựng được mấy biểu tượng đáng nể như sau:
THÁP CHĂM: kiêu hãnh, biến thái muôn mặt và đa tâm trạng.
MA HỜI: linh hồn lạc lõng thời hiện đại, nếu chưa được “về nhà”.
CHAKLENG: mảnh đất nuôi dưỡng đứa con của Đất.
SÔNG LU: biến dịch không ngừng, khi ẩn khi hiện khôn lường.
ÔNG PHOK: hình trạng của đạo sĩ Bà La Môn Chăm thất truyền.
ARIYA GLƠNG ANAK là biểu tượng lớn cho tinh thần giải sân hận.

Biểu tượng là điều hệ trọng của một dân tộc. Làm mới biểu tượng cũ, lập nên biểu tượng mới, rồi mang chúng ra trình diện với thế giới, tôi cho đó là tài năng lớn nhất của ông Inrasara. Vậy mà nhiều nhà phê bình về thơ văn ông không nhìn ra, lắm nhà khoa bảng Việt Nam đã bỏ quên chúng rất oan uổng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *