[chủ yếu bạn văn thế hệ, trong phạm vi những người tôi đọc, và… nổi tiếng]
Nguyễn Đăng Điệp đích thị là nhà phê bình mô phạm cấp 4 thập thành: chuẩn, đĩnh đạc và không mới.
Phê bình tài hoa ở bậc Đại học, ta có Chu Văn Sơn.
Riêng Văn Giá làm được vài thứ rất khá.
Nguyễn Trọng Tạo không hiểu, nhưng luôn cổ súy “cách tân”, là điều đáng vỗ tay ủng hộ.
Nguyễn Hòa có tài bắt bẻ “giáo sư tiến sĩ” bằng giọng văn đanh đá, khiến vài vị tái mặt. Thêm món “một năm ngoảnh lại” nhờ chịu theo dõi báo chí, qua đó “tổng hợp”. Kẹt là, mỗi bận anh chêm ý riêng là mỗi bận trật. Trật to.
Đặng Thân ý ít mà chữ nhiều, nên quậy cũng được.
Nguyễn Chí Hoan viết dài. Chữ nghĩa cứ trôi tuột đi, đọc hết bài chẳng hiểu anh nói gì. Lẽ nào phê bình chiếm cả trang báo Văn nghệ to đùng mà chẳng có gì, quay đọc lại từ đầu, rồi cũng thấy anh chẳng nói gì. Thế mới tài!
Phê bình báo chí ăn khách, nhặm lẹ đi tắt đón đầu, Phạm Xuân Nguyên chịu chơi rất mực.
Giọng phê bình của Trần Mạnh Hảo đanh đá mà tài hoa, cuốn hút. Cuốn hút đến ta quên béng lắm chỗ anh sai, cái sai khiến không ít kẻ bị oan. Nhạy cảm trong cảm thụ, nên có nhiều phát hiện – các phát hiện lẻ. Ưa nói to, chuyện tụng ca Ánh Huỳnh, Cát Du là điển hình [tiên tiến].
Phê bình Nguyễn Hưng Quốc phát hiện mang tính mĩ học. Lời bàn về bài thơ Ngu Yên, Nguyễn Hoàng Nam là một. Lập luận chắc nịch, thậm chí có ngụy biện cũng khó cãi lại. Nguyễn Đức Tùng yêu thơ tha thiết, say đắm. Yêu, và được thơ trả lại đủ đầy vốn lẫn lãi. Ở anh có nhiều cái đáng đọc, là thế. Riêng mấy bận chộn rộn nhích đầu này đầu nọ, khiến anh trở thành décadent. Thơ đến từ đâu? còn ba bỏ làm mười được, chứ đến vụ Trần Nhuận Minh, thì… vứt.
Và [góp mặt cho vui cửa vui nhà] Inrasara…
Phê bình Lập biên bản bước một không gì hơn là tập cho mình và đồng nghiệp tinh thần công bằng với thao tác khoa học trong phê bình văn học – tạm ổn. Tiếp, Hồ sơ biên bản so sánh nhằm nêu những khác biệt và “đóng góp” của cái mới, tiếc – được nửa đường thì đứt gánh, không gượng nổi nữa. Bước thứ ba: Phê bình như là khai phóng chưa lên đã xuống, do thời cuộc làm cho hắn mất hết trơn trọi hứng thú.