Một nhà thơ thời danh viết:
“Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đô thị hoá lầu xanh”
Khái quát chuyện đĩ thời hiện đại qua 2 câu thơ như thế, vừa sai vừa dở.
– Dở: dùng điển tích cũ (“Thúy Kiều”), ngôn từ cũ (“lầu xanh”); ngoài ra trong bài thơ còn có khá nhiều cụm từ nhàm cũ khác.
– Đồng hóa Thúy Kiều với đĩ hiện đại là sai.
[Thúy Kiều, ít nhất theo Nguyễn Du, có mấy điểm hay: 1. Tài sắc mười phân vẹn mười, 2. Biết hi sinh (bán mình chuộc cha), 3. Luôn ý hướng và nỗ lực thoát khỏi chốn tội lỗi, 4. Cao thượng (với Thúy Vân, và cả Kim Trọng)].
Phản biện hiện tượng đất nước hiện thời, về mặt này, Nguyễn Duy ở tập thơ Nhìn Từ Xa… Tổ Quốc có lối nói rất độc đáo, độc đáo từ ngôn từ cho đến cái nhìn trực diện và cụ thể để thơ mang khả tính đánh động:
“Xứ sở thật thà
Sao thật lắm thứ điếm
Điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
Vì hạ giá linh hồn”
Tôi nghĩ, tại sao các giáo sư Việt Nam không hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ về “Đĩ trong văn chương” nhỉ? Cả đề tài về “Thơ tù Việt Nam” nữa – có thể chứa 5 luận án chứ không phải ít. Có thể tham khảo thêm: “Hồ sơ Biên bản so sánh 1: TỪ TỐ HỮU ĐẾN BÙI CHÁT, NHÌN LẠI THẾ ĐỨNG CỦA ĐĨ VIỆT NAM” ở đây http://inrasara.com/2015/10/08/ho-so-van-hoc-so-sanh-bai-1-tu-to-huu-den-bui-chat-nhin-lai-the-dung-cua-di-viet-nam/